TP - GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Viện trưởng Viện ITIMS, trường Đại học Bách khoa Hà Nội là người trẻ nhất được phong hàm GS năm nay. Ở tuổi 43, là tác giả và đồng tác giả của hơn 130 công trình khoa học, GS Hiếu chia sẻ, thành công này là kết quả của sự nỗ lực không ngừng…


[IMG]//images.tienphong.vn/Uploaded/baogiay001/2015_11_13/12243812_669583476478298_12_EQJR.jpg.ashx?w=440&h= 250&crop=auto[/IMG]
GS Nguyễn Văn Hiếu (thứ 3 từ phải sang) trong lễ trao giấy chứng nhận và quyết định phong tặng chức danh GS, PGS sáng qua.



<strong style=''>Từ chối làm việc [/B]<strong style=''>ở nước ngoài[/B]
GS Nguyễn Văn Hiếu từng là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Huế, học thạc sỹ tại Khoa học Vật liệu - Trung tâm Quốc tế Đào tạo về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Bộ GD&ĐT rồi làm nghiên cứu sinh tại Khoa Kỹ thuật Điện tử, Trường Đại học Twente, Hà Lan. Năm 2004 sau khi về nước, anh công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến nay.
GS Hiếu chia sẻ, sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ ở Hà Lan, anh phải đấu tranh tư tưởng về hay ở. “Hoàn thành nghiên cứu sinh, tôi có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài. Điều kiện sống ở Hà Lan lại quá đầy đủ, vợ con cũng mong muốn ở lại”. Tuy nhiên, vị TS trẻ khi ấy quyết định trở về bởi câu nói của người thầy ngoại quốc “Nước anh đang kém phát triển, những thằng có năng lực như anh thì nên về nước. Cá nhân anh chẳng đóng góp gì nhiều nhưng nhiều người như anh thì đất nước sẽ phát triển. Mình suy nghĩ nhiều và quyết định về dù vợ con không thích đâu”, GS Hiếu kể.
Nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học vật liệu điện tử, GS Hiếu từng có một khởi đầu khó khăn. Thời kỳ ở Hà Lan anh chủ yếu làm các đề tài cũ nên số lượng bài báo công bố quốc tế ít (ba bài báo). Sau khi về nước, ba năm đầu gần như không có bài báo nào. Đồng lương không đủ sống, anh vừa phải làm công tác nghiên cứu, vừa làm thêm công ty ở bên ngoài. “Mình phải tự xây dựng một phòng thí nghiệm từ hai bàn tay trắng. Có ông GS Hàn Quốc sang thăm thấy mình (khi ấy đã là một PGS) đang mặc quần đùi lắp ráp thiết bị ở phòng thí nghiệm thì hỏi “Mày đã là PGS mà sao lại làm việc này”. Sau đó ông ấy mua một thiết bị nghiên cứu 20 nghìn USD gửi tặng mình”, GS Hiếu nhớ lại.
Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, anh đã có một gia tài nghiên cứu lớn, là tác giả và đồng tác giả của 130 công trình khoa học, 85 bài báo trên các tạp chí ISI, trong đó có 22 bài báo được trích dẫn quốc tế 22 lần - con số đáng mơ ước của các nhà khoa học có bài đăng trên tạp chí quốc tế. Anh là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như Nghiên cứu chế tạo một số loại linh kiện điện tử và cảm biến trên cơ sở dây nano ôxít kim loại bán dẫn, Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí và sinh học trên cơ sở vật liệu có cấu trúc nanô kết hợp công nghệ vi cơ điện tử, Đề tài nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng”. Năm 2010, anh nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả NCKH xuất sắc năm 2010 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Vượt khó khăn
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở Vĩ Dạ, Huế, GS Hiếu tâm sự, cha mẹ anh dù nghèo, vất vả nhưng luôn động viên con cái phải học tập đến nơi đến chốn. Mình vẫn nhớ như in câu nói của bố mẹ “các con không học thì khổ như bố mẹ. Con của các con cũng thiếu thốn như các con bây giờ”, GS tâm sự. Nhờ sự định hướng của bố mẹ, gia đình GS Hiếu có 11 người con (GS Hiếu là con thứ 10) thì có 9 người học đại học, hai người theo học nghề. Bản thân anh luôn nỗ lực hết mình trên con đường học tập. Năm đầu tiên anh vào đại học thì mẹ mất vì lao động quá vất vả để nuôi 11 người con ăn học, anh càng cố gắng để không phụ lòng cha mẹ.
Khi mới về nước, năm năm không có một đề tài, vừa làm nghiên cứu vừa đi làm công ty ngoài để mưu sinh, theo GS Hiếu, đó là quãng thời gian khó khăn, anh từng nản lòng nhưng vẫn nỗ lực trên con đường nghiên cứu, tự xây dựng phòng thí nghiệm và nhóm nghiên cứu. Lúc bắt đầu nghiên cứu thấy vốn kiến thức của mình còn hạn chế, anh sang Hàn Quốc học thêm sáu tháng để trau dồi chuyên môn.
GS tâm sự với các bạn trẻ “muốn thành công thì luôn phải cố gắng hết mình. Đừng bao giờ đòi hỏi quá nhiều. Nếu cứ nghĩ tôi phải được thế này, tôi phải được thế kia thì không bao giờ tồn tại được trong bối cảnh Việt Nam bây giờ. Hãy vươn lên bằng nội lực của chính mình”.


Đội ngũ GS, PGS đang trẻ hóa
Sáng qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra lễ trao giấy chứng nhận và quyết định phong tặng chức danh GS, PGS cho 522 tân GS, PGS (trong đó 470 PGS và 52 GS). Chức danh GS, PGS ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa. Độ tuổi trung bình của 522 tân giáo sư, phó giáo sư là 48 tuổi (năm trước là 49 tuổi). Độ tuổi trung bình của 52 tân giáo sư là 56,87 tuổi (năm trước là 58 tuổi), của 470 tân phó giáo sư là 46,64 tuổi (năm trước là 48 tuổi). Trong số giáo sư, phó giáo sư năm nay có gần 25% nhà giáo nữ, 5 ứng viên là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư từ 50 tuổi trở xuống chiếm gần 62%, từ 40 tuổi trở xuống chiếm hơn 23%.





Theo tienphong.vn