Ông Tạ Quang Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Maroc cho rằng, với thế mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của nước ta, hiện có rất nhiều thị trường để DN khai thác tốt, dù có thể không lớn.



Cụ thể như Maroc, là quốc gia Bắc Phi, dân số chỉ trên 32 triệu người, nhưng mức tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu rất cao. Trung bình Maroc nhập khẩu khoảng 50 tỷ USD – 60 tỷ USD và xuất khẩu chỉ bằng 40% - 50% kim ngạch nhập khẩu. Nước này nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa từ dầu thô, trang thiết bị viễn thông, nhiên liệu, đến hàng điện tử, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng, quà tặng, thủ công mỹ nghệ….



Chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Maroc rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp. Đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho thấy, đây là một trong những thị trường nhập khẩu khá dễ tính, với rào cản kỹ thuật và thuế quan còn thấp.



Một khi DN xuất khẩu vào được Maroc, với hàng hóa chất lượng, giá cả tốt và DN tạo được uy tín đối với nhà nhập khẩu nước sở tại, thì hàng Việt Nam có cơ hội rất lớn để đến thẳng siêu thị bán lẻ của nước này (điều rất khó thực hiện ở những thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ…).



Ngoài ra, Maroc là quốc gia châu Phi duy nhất ký với Hoa Kỳ̀ Hiệp định tự do mậu dịch và ký thỏa thuận về quy chế thương mại ưu đãi với EU. Cơ chế kinh doanh tại nước này khá thông thoáng, hàng Việt Nam có thể thông qua Maroc để tiếp cận thị trường các nước khu vực Bắc Phi.



Tương tự, Nam Phi là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong số 55 nước châu Phi. Đây là một thị trường mới nổi, nhập khẩu hàng hóa số lượng lớn và là cửa ngõ để các nước xuất khẩu nhắm đến thị trường chung lên đến 1 tỷ dân của châu Phi. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nằm trong nhu cầu nhập khẩu của Nam Phi như, giày dép, dệt may, vải, thiết bị điện, hàng gia dụng, bánh kẹo, nước giải khát…



Trở lại khu vực châu Á, hiện Ấn Độ đang có nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, với chủng loại ngày càng đa dạng. Nông, thủy sản là nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong cơ cấu hàng của Việt Nam xuất sang Ấn Độ.



Trong đó, lượng cà phê, hạt tiêu, hạt điều nhân… đang tăng mạnh Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm Ấn Độ xuất hơn 500 ngàn tấn gia vị các loại. Vì vậy, Ấn Độ cần nhập các mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… để chế biến và thêm phần giá trị gia tăng, sau đó sẽ tái xuất. Mặt khác, đây là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất đa dạng.



Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh như nông sản, cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn...



Theo ông Nguyễn Thế Hưng – Phó giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện nay, khu vực Trung Đông (các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Quata, Ả Rập Saudi…) là những thị trường mới của Việt Nam. Tuy có sự khác biệt khá lớn về văn hóa, gu tiêu dùng và tình hình kinh tế chính trị xã hội chưa ổn định, nhưng đó lại là thị trường rất tiềm năng, có sức chi tiêu lớn.



Đặc biệt, thời gian hai năm trở lại đây, rất nhiều nhà nhập khẩu, bán lẻ, nhà phân phối của các nước Trung Đông thường xuyên đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, hàng hóa để liên kết hợp tác kinh doanh.



Ông Nguyễn Thế Hưng cho rằng, mặc dù được xem là thị trường tiềm năng hay dễ tính, nhưng kinh doanh trong môi trường quốc tế luôn có những khó khăn nhất định. Cụ thể như, tại châu Phi thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam bị lừa hợp đồng, mất hàng, mất tiền; tại Ấn Độ, thì nông sản xuất thô bị ép giá…



Điều này khiến nhiều DN Việt Nam dè dặt, ít chủ động tìm hiểu, mở rộng thêm dù là thị trường dễ tính vì ngại rủi ro.



Thanh Thanh












Theo stockbiz.vn