Tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) giữa kỳ năm nay, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang rất lo ngại về triển vọng không mấy khả quan của nguồn cung năng lượng, khi có tới 65% DN lo ngại về nguồn cung bất ổn, và 2/3 số DN phải dùng nguồn điện dự phòng, trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động không hiệu quả.



Theo khảo sát của Nhóm công tác Điện và Năng lượng (thuộc VBF) từ các DN và hiệp hội DN, Việt Nam đã bảo đảm đủ nguồn điện cung ứng trong giai đoạn 2014 và nửa đầu 2015. Tuy nhiên, các DN FDI đang rất lo ngại về triển vọng không mấy khả quan của nguồn cung năng lượng, khi có tới 65% DN lo ngại về nguồn cung bất ổn, và 2/3 số DN phải dùng nguồn điện dự phòng, trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động không hiệu quả.



Trong khi đó, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt vốn từ nước ngoài vào lĩnh vực điện năng của Việt Nam không thành công, do giá điện quá thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư.



“Các DN nước ngoài không mấy lo ngại về giá điện tăng, vì chi phí cho giá điện chiếm phần không đáng kể. Đa số DN sẵn sàng tăng thêm chi phí hằng năm cho điện ở mức 15%, nhưng điều lo ngại là nguồn điện thiếu ổn định. Do đó, Chính phủ nên mạnh dạn tăng giá điện với các công ty, nhà máy tiêu thụ điện năng lớn, nhưng cần có nguồn cung điện ổn định”, báo cáo của VBF cho biết.



Bổ sung thêm, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, nhu cầu điện tại khu vực miền Nam Việt Nam tăng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, tiến độ một số dự án điện bị trì hoãn cho thấy có những mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng tại Việt Nam có thể xảy ra từ năm 2018 (như dự án điện Duyên Hải 1, 3, Long Phú 1, Vĩnh Tân 1, 3, Vân Phong 1… bị trì hoãn tới năm 2020). Trong khi đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cũng liên tục bị trì hoãn. Đây cũng là lo ngại của các DN tới từ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), khối các DN Bắc Âu…



Do vậy, Nhóm công tác Điện và Năng lượng của VBF kiến nghị, Việt Nam cần tiếp tục tăng giá điện để thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất điện; tăng cường sử dụng nguồn điện tái tạo. Đặc biệt, cần cải cách EVN để hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, Chính phủ cần phải rút ngắn quá trình phê duyện các dự án điện tại khu vực miền Nam Việt Nam; các dự án điện cần phải được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư có danh tiếng và đáng tin cậy…



Trả lời những thắc mắc của DN, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, kể từ năm 2011, chưa lúc nào cung ứng điện tốt như hiện nay, công suất các nhà máy điện luôn lớn hơn nhu cầu khoảng 5.000 MW.



“Nhưng từng thời điểm, địa bàn cụ thể, chất lượng điện chưa ổn định. Do chất lượng hệ thống phân phối điện của Việt Nam đã đầu tư từ lâu, cần vốn lớn để nâng cấp. Chúng tôi đã chỉ đạo EVN đảm bảo vốn để nâng cấp. Ngoài ra, ở khu vực phía Nam dự báo vào 2017-2018 nguồn điện có thể thiếu, chúng tôi đã giao EVN thực hiện 9 dự án điện đặc biệt khu vực phía Nam”, ông Hoàng nói.



Về thu hút tư nhân đầu tư vào ngành điện, ông Hoàng cho biết, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là giá điện phải theo thị trường có sự quản lý nhà nước, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý. “Đầu 2016 giá điện sẽ hoàn toàn thị trường, lúc đó sẽ có điều chỉnh cần thiết về giá điện, để thực hiện đúng lộ trình giá điện theo thị trường”, ông Hoàng nói.



Ông Hoàng cũng công bố lộ trình bán lẻ điện, theo đó, từ năm 2012 đã thực hiện phát điện cạnh tranh (nhà máy phát điện chào hàng và ngành điện mua lại); giai đoạn 2015-2020, sẽ thí điểm bán lẻ điện canh tranh, để từ năm 2021 sẽ thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh.



Hiếu Minh










Theo stockbiz.vn