Vấn đề bây giờ là muốn có mỗi người được một quả trứng hay là muốn có cả con gà? - Chuyên gia Huỳnh Thế Du.



PV:- Trong lộ trình tái cơ cấu, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước SCIC đã quyết định sẽ đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên rút hoàn toàn vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp này. Ông bình luận như thế nào về những ý kiến trên?



Ông Hùynh Thế Du: - Để trả lời câu hỏi trên thì phải xem mục tiêu của SCIC là gì?



Thứ nhất, nếu muốn SCIC là một đơn vị quản lý vốn Nhà nước có trách nhiệm tạo ra lợi nhuận trên một đồng vốn cao nhất thì việc SCIC chọn những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả như Vinamilk để đầu tư là hợp lý.



Thứ hai, nếu muốn SCIC trở thành đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ phân bổ, điều tiết vốn cho các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển, kích thích đầu tư vào những nơi có khả năng mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế cao nhưng rủi ro lớn ở góc độ tài chính thì giảm dần tỉ lệ nắm giữ cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tiến dần đến thoái vốn nhà nước hoàn toàn y thì việc tăng vốn tại các doanh nghiệp này là không cần thiết.



Vì vậy để trả lời câu hỏi, SCIC nên rút vốn hoàn toàn hay tiếp tục đầu tư trước hết phải trả lời được câu hỏi mục tiêu chính của SCIC là gì?



Nếu xem SCIC vừa là một doanh nghiệp thực hiện chức năng kinh doanh nhưng lại vừa đóng vai trò làm chính sách thì sẽ tạo ra những xung đột, kẽ hở cơ bản làm cho việc hoạt động của các doanh nghiệp kém hiệu quả.



Phải xác định SCIC chỉ được đóng một trong hai vai hoặc là làm chính sách hoặc là doanh nghiệp kinh doanh và ngược lại. Bắt SCIC một lúc đóng hai vai là điều không tưởng. Chính việc này đã làm trục trặc mô hình điều hành, quản lý các DNNN mà Nhà nước đang rất muốn triển khai nhanh tiến trình cổ phần hóa nhưng mãi vẫn không xong. Hơn thế, khi đã cổ phần hóa rồi thì ở rất nhiều doanh nghiệp mọi chuyện dường như không có gì thay đổi cả.



Trong trường hợp muốn SCIC là một doanh nghiệp đi kinh doanh kiếm lợi, việc đầu tư vào đâu phải để doanh nghiệp nắm quyền quyết định. Khi đó việc lựa chọn doanh nghiệp làm ăn có lãi để đầu tư sinh lời là dễ hiểu.



Đó là lý do vì sao SCIC bỏ doanh nghiệp yếu, làm ăn thua lỗ để đầu tư vào doanh nghiệp có lãi. Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện SCIC mang tiền đi gửi ngân hàng trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều bất ổn trước đây. Đứng ở góc độ doanh nghiệp làm ăn kinh doanh, việc lựa chọn đó là hoàn toàn hợp lý.



Ngược lại, nếu SCIC đóng vai trò làm chính sách, điều phối nền kinh tế nhưng không tách bạch với vai trò kinh doanh sẽ dễ bị doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở lúc kinh doanh thua lỗ đổ thừa trách nhiệm cho nhà nước. Lý do phải làm chính sách, làm nhiệm vụ chính trị mà rũ bỏ trách nhiệm.



Tôi xin nhắc lại, những đơn vị như SCIC không nên kỳ vọng sẽ có thể thực hiện được hai chức năng hay mục tiêu mà đa phần là mâu thuẫn với nhau.



PV:- Đứng ở góc độ SCIC, những doanh nghiệp như Vinamilk đang là những 'con gà đẻ trứng vàng', trong khi nguồn thu về SCIC cũng chính là nguồn thu cho ngân sách. Trong bối cảnh ngân sách như hiện nay, có nên rút vốn hoàn toàn để ngân sách nhà nước mất đi nguồn thu đó hay không?



Ông Huỳnh Thế Du: - Nếu coi Vinamilk là “con gà đẻ trứng vàng”, vậy phải xác định là nuôi nó để hàng ngày ăn một quả trứng hay muốn có ngay cả con gà. Phải tính toán phương án nào có hiệu quả hơn, không thể vừa thịt gà mà vẫn muốn có trứng.



Để làm được như vậy, phải phân tích tình trạng ngân sách, nợ công hiện nay. Nếu tình trạng thiếu hụt ngân sách quá trầm trọng, cần nhu cầu vốn rất lớn tôi cho rằng có thể bán đứt để dùng tiền xử lý các vấn đề khác như nợ xấu chẳng hạn.



Hay nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, vốn đầu tư còn dư dả và muốn có giữ nguồn thu ổn định từ SCIC hàng năm… tất cả phải xác định rõ.



PV:- Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, nếu những doanh nghiệp như Vinamilk hoàn toàn thuộc về tư nhân, cái lợi và bất lợi cho doanh nghiệp là gì? Việc thoát hoàn toàn khỏi nhà nước có tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn hay không, thưa ông và đó có phải là lý do khiến Vinamilk đã hơn một lần đánh tiếng mua lại phần vốn nhà nước?



Ông Huỳnh Thế Du: - Tôi cho rằng phải xem nếu SCIC rút vốn hoàn toàn liệu có được một hay một vài cổ đông nắm được nguồn vốn lớn tương tự với SCIC hay không. Nếu có một cổ đông làm được việc này như một số doanh nghiệp tư nhân hiện nay nghĩa là có một ông chủ lớn nắm quyền quyết định thì không khác gì chuyện SCIC tìm kiếm lợi nhuận dựa trên nền tảng đó.



Còn nếu SCIC bán lại để trở thành công ty đại chúng, các cổ đông chia nhau sở hữu không có quyền quyết định, giống các công ty đại chúng phổ biến trên thế giới, lại là câu chuyện khác.



Còn hỏi việc thoát hoàn toàn khỏi nhà nước có tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn hay không? Điều này có thể có, có thể không. Nếu có một môi trường thể chế lành mạnh, tính cạnh tranh sòng phẳng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực cùng tham gia, lúc đó sẽ thay đổi được cấu trúc quản trị, khả năng cạnh tranh được cải thiện tốt hơn.



Nhưng cũng không loại trừ khả năng có một nhóm người cùng thâu tóm cả doanh nghiệp, hoặc một nhóm doanh nghiệp liên kết thâu tóm doanh nghiệp tức là nó có quan hệ thân hữu, quan hệ nhóm lợi ích… khi đó có thể lại tệ hơn.



PV:- Theo ông, tại sao rút vốn lại được đặt ra trong thời điểm này? Nếu nhà nước rút hoàn toàn vốn ở 4 doanh nghiệp thuộc SCIC nói trên, phần tài sản thu hồi về sẽ như thế nào và có thể giúp gì trong bối cảnh vấn đề ngân sách và nợ công đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay?



Ông Hnỳnh Thế Du: - Tôi lấy ví dụ, tôi đang có một khoản đầu tư lãi suất cho sinh lợi khoảng 20%/năm và phải đi vay một khoản với lãi suất 10% tôi sẽ không dại rút khoản đầu tư sinh lợi để giải quyết nhu cầu đi vay.



Tuy nhiên, nếu đi vay với lãi suất 20% hoặc trên 20% thì phải tính toán tới rủi ro như tài chính khó khăn, phá sản, không trả được nợ… Lúc đó phải cân đối giữa ngưỡng vay nợ, nợ công để thoái bớt vốn ở những nơi khác.



Nợ công của VN dường như đang tiến dần đến ngưỡng rủi ro rất cao mà nhiều người gọi là ngưỡng nguy hiểm. Nhìn từ khía cạnh này, bây giờ là thời điểm phải thoái vốn tại các doanh nghiệp để đáp ứng các mục tiêu chi tiêu của ngân sách thay vì đi vay nợ hoặc in tiền hoặc sử dụng dữ trữ ngoại hối.



Tôi cho rằng, nếu rút hoàn toàn vốn trong lúc này có thể sẽ có được một nguồn vốn rất lớn để thực hiện một số nhiệm vụ như xử lý nợ xấu ngân hàng, tăng vốn đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư đang hạn hẹp như bây giờ.



Thoái vốn lấy một cục để tăng cường đầu tư cho các hoạt động của nhà nước hay SCIC phải giữ nguồn vốn của nhà nước và làm nó sinh sôi nảy nở. Hai nhiệm vụ này phải được xác định rõ, không thể để SCIC một lúc làm hai nhiệm vụ.



Còn khi có tiền rồi không phải là lúc tính toán xem đồng nào mua muối, đồng nào rau mà phải nhìn vào tổng ngân sách. Ví dụ có 1 triệu tỉ đồng, sẽ phải cân đối việc trả vay nợ bao nhiêu, khoản đầu tư bao nhiêu, dành cho chi tiêu thường xuyên là bao nhiêu… khi nhìn vào tổng thu và chi để tính toán sẽ đảm bảo đồng tiền được sử dụng một cách hiệu quả, tránh sử dụng sai mục đích.



PV:- Về phần mình, nếu phải tư vấn cho Chính phủ, theo ông, nên hay không nên rút hoàn toàn phần vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp này? Đặt giải thiết nếu rút hoàn toàn vốn thì lộ trình nên như thế nào? Làm thế nào để đảm bảo thu hồi minh bạch phần tài sản của Nhà nước (nghĩa là của người dân) ở các doanh nghiệp này?



Ông Hnỳnh Thế Du: - Theo tôi không phải quá lo lắng về khả năng có bán được một cục phần vốn mà nhà nước đang sở hữu tại các doanh nghiệp hay không trong những trường hợp như Vinamilk. Đây là công ty có tính thanh khoản cao. Nếu muốn bán sẽ bán được ngay, thậm chí còn bán được giá cao hơn giá niêm yết hiện tại. Nên với thanh khoản như hiện nay nhà nước không lo thất thoát tài sản.



Vấn đề bây giờ là muốn có mỗi người được một quả trứng hay là muốn có cả con gà. Đó là quyết định của Chính phủ và tùy vào mục tiêu dựa trên những tính toán, cân bằng tổng thể.



Riêng quan điểm cá nhân, nếu lựa chọn giữa việc bán Vinamilk lấy một khoản tiền so với việc mang dự trữ ngoại hối ra sử dụng, tôi chọn bán Vinamilk. Bán Vinamilk nhà nước không thiệt, trong khi khả năng sẽ có lợi cho cả nền kinh tế và không tạo ra những rủi ro vĩ mô rất lớn như việc dùng dự trữ ngoại hối để chi tiêu.



PV:- Xin trân trọng cảm ơn ông!





Vũ Lan








Theo stockbiz.vn

View more random threads: