Anheuser-Busch InBev NV đã chính thức mua lại SABMiller PLC với giá 71,4 tỷ Bảng Anh để tạo nên “gã khổng lồ” sản xuất và cung ứng bia đứng đầu thế giới.



AB InBev dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Johannesburg và như vậy, cổ phiếu công ty sau sáp nhập sẽ niêm yết tại Brussels, Johannesburg và Mexico.



Kỳ vọng của hai “ông lớn”



“Bằng cách góp chung nguồn lực, chúng tôi sẽ xây dựng một trong những công ty sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới”, Giám đốc điều hành Carlos Brito của AB InBev cho biết. “Danh mục sản phẩm của hai công ty với những thương hiệu nổi tiếng sẽ là sự bổ sung cho nhau và mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng ở cả thị trường hiện tại lẫn các thị trường mới trên thế giới”.



Theo tính toán của Exane BNP Paribas, công ty hậu sáp nhập sẽ là công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới tính theo thu nhập trước thuế, lãi vay khấu hao và đứng thứ ba toàn cầu về doanh số, chỉ sau Procter & Gamble và Nestlé.



Sự kết hợp giữa hai công ty bia sẽ giúp quy tụ hàng loạt “siêu sao”, như Budweiser, Corona, Stella Artois của AB InBev với Grolsch, Peroni... của SABMiller, củng cố vị thế “bá chủ” ở rất nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh.



AB InBev hy vọng sẽ tiết kiệm được ít nhất 1,4 tỷ USD mỗi năm cho đến cuối năm thứ tư, kể từ khi thương vụ hoàn tất mọi thủ tục, trong đó chủ yếu đến từ các hoạt động gia công, đóng gói, đóng chai cũng như loại bỏ nhiều chi phí trùng lặp khác.



Mặc dù AB InBev và SABMiller cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận sau nhiều tuần đàm phán khó khăn, nhưng giới phân tích cho rằng khó khăn thực sự còn đang ở phía trước. Ngoài việc phải vực dậy kết quả hoạt động chưa được như ý tại Mỹ và Brazil, hai thị trường mà AB InBev bị sụt giảm sản lượng tiêu thụ, cũng như cạnh tranh với các loại bia rượu do người dân địa phương tự sản xuất, AB InBev giờ còn đối mặt với hàng loạt thách thức khác xung quanh thương vụ mua lại SABMiler.



Một trong số những khó khăn là làm sao đạt được sự phê chuẩn ở Trung Quốc, nơi mà tổng phân khúc thị trường của hai hãng bia là khá lớn. Ông Brito đã không cung cấp chi tiết về việc AB InBev có thể bị buộc phải bán cổ phần của SABMiller tại một công ty liên doanh sản xuất bia tại London với công ty China Resources Enterprise.



Tương tự, thỏa thuận sáp nhập giữa hai công ty cũng được kỳ vọng sẽ đạt được các thủ tục pháp lý phê chuẩn tại một loạt các thị trường lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nam Phi, Australia và Ấn Độ trong thời gian tới... Đó là còn chưa kể tới việc thương vụ này được mong chờ kết thúc trong 6 tháng cuối năm tới.



Cơ hội thay đổi cuộc chơi



Ông Brito cũng không chia sẻ việc AB InBev sẽ xử lý những cạnh tranh trong hoạt động đóng chai với các đối thủ kinh doanh nước ngọt Coca-Cola và PepsiCo Inc như thế nào sau khi mua lại SABMiller.



Một phần của thỏa thuận giữa hai bên là SABMiller sẽ bán 58% cổ phần của mình trong liên doanh MillerCoors LLC cho đối tác của mình là Molson Coors Brewing Co - đơn vị đang nắm giữ các cổ phần còn lại, cũng như các danh mục đầu tư bên ngoài nước Mỹ của Miller với giá trị lên tới 12 tỷ USD.



Việc thoái vốn của SABMiller dù còn đang phụ thuộc vào quá trình hoàn thành mua lại SABMiller của AB InBev, sẽ thúc đẩy Molson đạt vị trí nhà sản xuất bia chiếm thị phần lớn thứ hai tại Mỹ (25 % thị phần), sau công ty dẫn đầu là AB InBev (45% thị phần).



Hôm thứ Tư vừa qua, Tổng Giám đốc Molson Coors, Mark Hunter đã mô tả thỏa thuận mua phần còn lại của MillerCoors - đơn vị chuyên bán các thương hiệu như Miller Lite, Miller High Life và Blue Moon - là “một cơ hội thay đổi cuộc chơi” cho Molson Coors. Năm 2014, doanh số bán hàng của MillerCoors đạt 7,85 tỷ USD, gần gấp đôi doanh thu thuần của Molson Coors - 4,15 tỷ USD.



Molson Coors lên kế hoạch thanh toán cho việc mua các phần còn lại của Miller Coors và công ty kinh doanh quốc tế bằng cả ba hình thức: tiền mặt, thực hiện các khoản vay mới và vốn chủ sở hữu. Thỏa thuận này cho phép Molson tiếp tục bán tất cả các thương hiệu hiện nay trong danh mục đầu tư của MillerCoors Mỹ, bao gồm cả những thương hiệu đang được nhập khẩu như Peroni và Pilsner Urquell.



Thỏa thuận sáp nhập giúp cho Molson dự kiến tăng doanh thu thêm khoảng 4,7 tỷ USD và tăng thu nhập bằng tiền mặt lên hơn 25% trong năm đầu tiên hoạt động, trước khi tính tới cả các lợi ích của việc gộp chi phí, mà theo ước tính của Molson, là ít nhất 200 triệu USD mỗi năm trong vòng 4 năm, kể từ khi hoàn tất mọi thủ tục.



Hùng Anh










Theo stockbiz.vn