Dòng vốn chuyển hướng, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Mỹ thắt chặt tiền tệ có thể coi là những rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016.



Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng trước vừa hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2016 xuống còn 3,6% từ mức 3,8% dự báo trước đó. Cơ quan này cảnh báo rủi ro đối với kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trong những tháng gần đây.



Chuyên gia của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã đánh giá và đưa ra 4 rủi ro lớn nhất với kinh tế toàn cầu như sau.



Biến động dòng vốn



Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, ông Alastair Wilson, giám đốc điều hành bộ phận quản lý rủi ro của Moody’s, cho rằng rủi ro lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm tới chính là sự biến động của dòng tiền.



“Chúng ta đang thấy dòng vốn có xu hướng đảo chiều – một sự chuyển dịch lớn do tác động từ nhiều yếu tố. Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh tuy không phải là chỉ báo trực tiếp đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng tất nhiên nó gây ra sự chuyển dịch lớn của dòng tiền,” ông Wilson nói, cho rằng sự biến động khó lường của dòng tiền có lẽ là điều đáng lo ngại nhất.



Theo số liệu của Bộ tài chính Mỹ, dòng tiền rút khỏi Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm lên tới 669 tỷ USD, riêng trong tháng 8 xấp xỉ 200 tỷ USD và tháng 9 là 194 tỷ USD.



Dòng tiền bốc hơi mạnh sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc kéo theo đà giảm của chứng khoán toàn cầu, sau khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố bắt đầu cơ chế tỷ giá mới.



Kinh tế Trung Quốc giảm tốc



Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ là mối đe dọa đến kinh tế toàn cầu, theo báo cáo do Moody's công bố ngày 4/11. Cơ quan này dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,3% năm 2016, giảm mạnh so với mức gần 7% của năm 2015 và mức kỷ lục 14,2% của năm 2007.



Với vai trò là thị trường tiêu thụ hàng hóa chính, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đã khiến giá năng lượng, kim loại giảm mạnh. Điều này tác động tiêu cực đến tăng trưởng của các nước xuất khẩu hàng hóa, khiến họ dễ chịu tác động từ các cú sốc kinh tế, tài chính, Moody's cảnh báo.



Các công ty đã quốc gia, các ngành nghề có liên đới với tăng trưởng của Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.



Công ty vận tải biển khổng lồ Maersk Line vừa phải công bố kế hoạch cắt giảm gần 20% lao động và ngừng các đơn đặt hàng đóng tàu do hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu chậm lại.



Các công ty khai khoáng như Glencore và Antofagasta cũng nằm trong số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự quy mô lớn hoặc cắt giảm sản xuất.



Fed tăng lãi suất



Thị trường toàn cầu vẫn đang “nín thở” chờ xem khi nào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất.



Chuyên gia Wilson nhận định việc Fed thắt chặt tiền tệ có thể dẫn đến các cú sốc trên phạm vi toàn cầu do tác động đến xu hướng dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư.



Trong khi đó, thị trường đặt cược Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ gia hạn hoặc mở rộng quy mô chương trình mua tài sản trị giá 1.000 tỷ Euro trước cuối năm nay.



Một chuyên gia phân tích của BBH nhận định sự trái ngược chính sách giữa Fed với ECB và một số ngân hàng trung ương khác sẽ khiến đồng USD mạnh lên, và điều này sẽ dẫn đến rủi ro cho kinh tế toàn cầu.



IMF từng cảnh báo hồi tháng 10 rằng đồng USD tiếp tục mạnh lên có thể gây rủi ro cho cân đối tài khóa, chi phí lãi vay cho các nước vay nợ bằng đồng USD, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, nơi mà nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng đáng kể trong những năm qua.



Kể từ đầu năm, đồng USD đã tăng gần 8% so với một giỏ các tiền tệ chủ chốt khác.



Bất ổn địa chính trị



Moody's cũng cảnh báo rủi ro địa chính trị vẫn đang đe dọa xếp hạng tín nhiệm của nhiều quốc gia trong năm 2016, đặc biệt là Hy Lạp và các nước Trung Đông.



Trung Đông rơi vào bất ổn do sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố như phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), nội chiến Syria. Dòng người tị nạn từ Trung Đông tiếp tục đổ vào các nước Đông và Nam Âu, đặc biệt Hy Lạp, trong khi giới chức ở đây chưa tìm ra giải pháp khả thi cho vấn đề này.



Cho đến nay, ước tính khoảng hơn 752.000 người tị nạn, nhập cư đã vào châu Âu qua Địa Trung Hải, và 80% trong số này dừng chân tại Hy Lạp – quốc gia đang chịu sức ép kinh tế, xã hội lớn và phải đối phó với suy thoái.



Phương Linh - Theo CNBC










Theo stockbiz.vn