Kế hoạch của Mỹ là bán hàng triệu thùng dầu thô từ Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) của mình từ năm 2018 đến năm 2025 theo thỏa thuận ngân sách vừa đạt được giữa Nhà Trắng và các nhà lập pháp hàng đầu vào tối ngày 26/10.



Nằm trong một dự luật được đăng trên website của Nhà Trắng, số lượng đề xuất bán tương đương với hơn 8% trong tổng số 695 triệu thùng dự trữ được cất trữ tại 4 địa điểm dọc bờ biển Vịnh Mexico.



Mỹ sẽ bắt đầu bán từ năm 2018 với mức 5 triệu thùng/năm và tăng lên 10 triệu thùng/năm vào năm 2023 để đến cuối năm 2025 có thể đạt mức 58 triệu thùng. Số tiền thu được sẽ được gửi vào quỹ chung của Bộ Tài chính.



Đây là lần thứ 2 Mỹ huy động vốn từ việc bán dầu dự trữ. Việc này giúp Mỹ trở thành đối trọng với các nhà sản xuất dầu mỏ Ả Rập sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần đầu tiên vào năm 1973-1974. Mỹ có thể sẽ bán thêm để trang trải cho chương trình trị giá 2 tỷ USD về hiện đại hóa kho dự trữ chiến lược trong giai đoạn 2017 – 2020.



Hôm 27/10, Nhà Trắng kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ cho thỏa thuận ngân sách này.



Giá trung bình



Những người ủng hộ cho rằng Mỹ không cần lượng dự trữ khẩn cấp lớn bởi sự gia tăng sản xuất trong nước sau sự bùng nổ của dầu đá phiến đã giúp bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ.



Những người phản đối, bao gồm những nhà phân tích và cựu quan chức năng lượng Mỹ, cho rằng việc khai thác liên tục nguồn dự trữ dưới lòng đất sẽ khiến dầu mỏ khó được sử dụng hiệu quả như mục đích đã định: chống lại gián đoạn năng lượng nghiêm trọng. Hơn nữa, chính phủ Mỹ sẽ bán ra trong thời điểm giá dầu ít có khả năng hồi phục sau đợt giảm mạnh suốt 18 tháng qua.



Bộ Năng lượng Mỹ - cơ quan giám sát dự trữ dầu mỏ - cho biết trung bình nước này trả khoảng 29,7 USD/thùng dầu. Nhưng công ty nghiên cứu năng lượng Clearview Energy Partners cho biết sau khi điều chỉnh theo lạm phát và các yếu tố khác, giá trung bình lên tới 74 USD/thùng. Hôm 27/10, giá dầu WTI giao dịch ở mức dưới 44 USD/thùng.





Giá dầu WTI trong 1 năm qua




Ở mức giá hiện tại, Mỹ sẽ cần bán thêm 45 triệu thùng, tương đương với 15% tổng lượng dầu dự trữ, để có ngân sách cho chương trình hiện đại hóa dự trữ chiến lược.



Trung Quốc tăng dự trữ



Dự thảo luật nêu rõ rằng tình trạng của nguồn dự trữ đã làm giảm giá trị của nó giống như một tài sản an ninh năng lượng, nên cần phải hiện đại hóa. Thị trường dầu mỏ toàn cầu, địa điểm và sản lượng dầu mỏ của Mỹ, và công suất lọc dầu đã thay đổi đáng kể từ khi SPR được thiết lập năm 1973.



Kế hoạch bán dầu của Mỹ diễn ra khi các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ đã tự xây dựng những kho dự trữ riêng. Các quốc gia này mua dầu thô trên thị trường và lưu trữ trong những bể chứa khổng lồ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính Trung Quốc đã dữ trữ khoảng 200 triệu thùng dầu thô và sẽ bổ sung thêm gần 20 triệu thùng nữa trong năm nay. Theo kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh, nước này sẽ có 500 triệu thùng dữ trữ vào năm 2020. Các quốc gia khác như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha hay Ý đều có những chiến lược dự trữ dầu riêng.



Mỹ đã 3 lần giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược để cứu trợ khẩn cấp, trong đó 1 lần vào cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, 1 lần sau cơn bão Katrina năm 2005 và lần gần nhất là vào năm 2011 khi nguồn cung ứng dầu từ Libya bị gián đoạn do cuộc chiến tại đây. Trong giai đoạn 1996-1997, Mỹ cũng đã phải bán 28 triệu thùng dầu để giảm thâm hụt liên bang.



Theo số liệu mới được công bố, trong tháng 7, Mỹ nhập khẩu khoảng 9,5 triệu thùng dầu thô/ngày – giảm 35% so với mức kỷ lục 14,7 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2006.



Thạch Thảo - Theo Bloomberg










Theo stockbiz.vn