Báo Nga dẫn nhận định của chuyên gia phân tích tài chính tại EXNESS, Sergey Kochergin cho rằng trong tương lai gần đồng tiền các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có đồng ruble, có thể tăng giá đáng kể so với các đồng tiền dự trữ trên thế giới.



Các nước OPEC, với nguồn thu từ USD nhờ xuất khẩu dầu, vốn đã giảm một nửa trong 1 năm qua, sớm hay muộn sẽ buộc phải giảm hạn ngạch khai thác dầu hay phá giá đồng nội tệ của mình, vốn đang gắn chặt với đồng USD.



Ngân hàng Trung ương các nước vùng Vịnh Ba Tư hiện đang phải chi dự trữ ngoại hối để nâng đỡ đồng nội tệ và bù đắp thâm hụt ngân sách.



Nga về mặt này không phải lo lắng vì đồng ruble được thả nổi gần 1 năm nay, và thâm hụt ngân sách năm 2016 dự kiến ​sẽ không vượt quá 3% GDP (với giá dầu ở mức 50 USD/thùng).



Đầu tuần này, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran đã kêu gọi OPEC giảm sản lượng khai thác để kích giá dầu tăng lên mức 70-80 USD/thùng. Với mức giá này, tỷ giá USD/ruble có thể giảm xuống mức 45-39,5 ruble.



Theo kịch bản thực tế hơn, giá dầu dao động trong khoảng 50-55 USD/thùng, và tỷ giá USD/ruble sẽ củng cố ở mức 57,5-63,3 ruble.



Nếu không tính tới các yếu tố nội địa, vốn đang nâng đỡ đồng ruble (số liệu thống kê tháng 9 và kỳ nộp thuế), các yếu tố bên ngoài đang tác động tích cực tới đồng ruble.



Mỹ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp lịch sử, chứng khoán châu Á tăng (Ngày 19/10 - Nikkei225 - 0,42% và CSI300 - 1,23%) ngay cả khi đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc (từ 6,9-7% trong quý III/2015), điều được phản ánh qua tâm lý dám chấp nhận rủi ro./.



Duy Trinh










Theo stockbiz.vn