Khi lãi suất xuống gần 0%, FED sẽ không còn nhiều công cụ tài chính để có thể điều chỉnh thị trường ngoài những biện pháp đặc biệt mạnh như mua vào với số lượng lớn trên thị trường chứng khoán để có thể đối phó hữu hiệu với sự suy thoái nếu có.



Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ mức lãi suất xuống gần 0% vào năm 2008, nhiều chuyên gia đã lo lắng FED sẽ không thể giảm lãi suất xuống mức thấp hơn để hỗ trợ nền kinh tế và một số bong bong thị trường có thể đổ vỡ.



Kể từ khi đó, 7 năm đã qua nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thấy sự đổ vỡ bong bong thị trường nào cả, thay vào đó lại là một rủi ro mới. Chính sách lãi suất thấp có hiệu quả khá tốt đối với nền kinh tế Mỹ và khiến FED đang gặp khó khăn hơn dự kiến trong việc thay đổi chính sách.



Cả 3 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là FED, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đều đang áp dụng mức lãi suất quanh mốc 0%. Hiện cả 3 có vẻ đều chưa thành công trong việc chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ của mình, thậm chí ECB còn dự kiến tăng cường khả năng cung tiền.



Các quan chức của FED từng tuyên bố rằng kinh tế Mỹ có thể bứt tốc và có khả năng là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên nâng lãi suất. Tuy nhiên, thông báo không thay đổi lãi suất ngày 17/9 đã cho thấy một khả năng mới khi biến động trên thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền tài chính của Mỹ và thay đổi kế hoạch của FED.















Trong hoàn cảnh mới, ngân hàng trung ương Mỹ hoàn toàn có khả năng hoãn tăng lãi suất cho đến khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định trở lại và các dấu hiệu rủi ro được giảm thiểu đáng kể.



Chuyên gia kinh tế trưởng Erik Weisman của MFS Investment Management nhận định thị trường lao động Mỹ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, lạm phát vẫn ở mức thấp, và FED cho rằng các yếu tố trên phải hoàn thành đầy đủ trước khi quyết định tăng lãi suất.



Theo ông Weisman, hiện tại những yếu tố này không thể đạt được và FED sẽ cần thêm thời gian trước khi nâng lãi suất.



Còn Mizuho Securities thì cho rằng, quyết định của FED ngày 17/9 cho thấy sự dư thừa năng suất trên thị trường quốc tế đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đánh giá mức tiền lương cũng như giá cả tại Mỹ.



Trong thông báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Janet Yellen liên tục nhắc đến các yếu tố trên thị trường toàn cầu đã tác động đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là làm suy yếu tỷ lệ lạm phát cũng như tổn thương đến tăng trưởng kinh tế trong nước.







FED đã kỳ vọng việc giá dầu thấp, đồng USD mạnh và gần đây nhất là kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, qua đó khiến lạm phát cũng như mức lương tại Mỹ tăng lên, trong tình hình tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Khi đó, FED sẽ có đủ lý do để tăng lãi suất.



Mặc dù vậy, những số liệu kinh tế mới nhất cho thấy viễn cảnh trên vẫn chưa thể xảy ra. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự đoán sẽ chỉ đạt mức mục tiêu 2% vào năm 2018 dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ dự kiến sẽ xuống mức thấp 4,8%.











Chủ tịch Yellen cho biết bà vẫn tin tưởng rằng những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy lạm phát và tiếp tục cải thiện tình hình, nhưng theo Reuters thì có vẻ chính FED cũng cảm thấy không chắc chắn hơn bao giờ hết về thời điểm nâng lãi suất.



Tác động từ kinh tế toàn cầu



Theo Prudential Fixed Income, rõ ràng đã có sự thay đổi trong quy trình ra quyết định của FED. Tổ chức này đang ngày càng chuyển từ đối phó tỷ lệ lạm phát tại Mỹ sang chống lại những rủi ro dây chuyền đang tồn tại trong nền kinh tế toàn thế giới.



Nếu điều này là chính xác thì FED đang ở trong một tình cảnh không dễ dàng khi chính sách tiền tệ của FED được xây dựng nhằm điều chỉnh nền kinh tế Mỹ, nhưng lại đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề từ bên ngoài.



Bên cạnh đó, khi lãi suất xuống gần 0%, FED sẽ không còn nhiều công cụ tài chính để có thể điều chỉnh thị trường. Chỉ có những biện pháp đặc biệt mạnh như chương trình nới lỏng định lượng (QE), trong đó chính phủ sẽ mua vào với số lượng lớn trên thị trường chứng khoán, mới có thể đối phó hữu hiệu với sự suy thoái nếu có.







Ngoài ra, việc giữ lãi suất quá thấp cùng với tình hình lạm phát yếu có khả năng gây ra rủi ro giảm phát dài hạn như những gì đang diễn ra tại Nhật Bản. Hiện giá cả các hàng hóa trên thị trường Nhật tăng rất chậm, hoặc hầu như không gia tăng, trong khi lãi suất đang ở mức rất thấp. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại bởi lãi suất thấp không đủ sức thúc đẩy tỷ lệ lạm phát hay tăng trưởng thì sẽ dễ gây ra nguy cơ giảm phát.



Thị trường Châu Âu cũng đang gặp vấn đề tương tự khi lãi suất cũng xoay quanh mốc 0% nhưng cả lạm phát và tăng trưởng kinh tế đều không cho thấy dấu hiệu bứt phá.



Hãng tin Reuters cho rằng nhu cầu tiêu dùng, mức lương và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến chính sách của FED hơn mức dự đoán của các quan chức Mỹ. Đây cũng là điều tương tự xảy ra với các nền kinh tế đang phát triển có mối liên kết lớn với thị trường Mỹ cũng như các nước lớn khác, khi chính sách kinh tế của họ chịu tác động từ yếu tố bên ngoài.



Theo RBC Capital Markets, đây là kết quả của quá trình toàn cầu hóa và FED sẽ gặp rất nhiều khó khăn để nâng lãi suất, do phải xây dựng chính sách dựa trên việc đánh giá nền kinh tế Mỹ cũng như thị trường tài chính toàn cầu



Hoàng Nam










Theo stockbiz.vn