USD mạnh lên khi Trung Quốc phá giá NDT sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Mỹ và nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của nước này.



Việc Trung Quốc liên tục hạ giá nội tệ những ngày gần đây đang khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh càng thêm căng thẳng. Nội tệ mạnh sẽ gây áp lực lên Mỹ theo rất nhiều hướng. Tăng trưởng có thể sụt giảm vì xuất khẩu yếu, hàng nhập khẩu từ nước khác lại rẻ, lợi nhuận tại nước ngoài của các công ty Mỹ cũng hao hụt khi đổi về USD. Nhiều người lao động cũng có thể bị mất việc nếu lợi nhuận của công ty không được như kỳ vọng. Nhìn chung, nó sẽ khiến Mỹ bị hạn chế khi ra các chính sách kinh tế.



Những tác động này được Bloomberg đánh giá chẳng khác nào tăng lãi suất. Hay nói ngắn gọn, Trung Quốc đang làm thay công việc của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - bà Janet Yellen. Vì Mỹ cũng được dự báo nâng lãi suất năm nay. Dù vậy, nếu USD tiếp tục tăng giá, kế hoạch của FED có thể sẽ gặp rủi ro.



Động thái của Trung Quốc cũng đang bị giới chính trị gia Mỹ chỉ trích, và khiến nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ gặp khó. Tổng thống Mỹ - Barrack Obama đang tận dụng danh tiếng chẳng mấy tốt đẹp của Trung Quốc tại nước mình để tìm kiếm sự ủng hộ cho TPP. Thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo thành đối trọng với quyền lực kinh tế của Trung Quốc.



Dù vậy, nhiều nghị sĩ Mỹ cho biết sẽ phản đối TPP nếu nó không bao gồm các biện pháp chống thao túng tiền tệ. Họ coi động thái hạ giá nội tệ của Trung Quốc là cách để đạt lợi ích thương mại và muốn ngăn các quốc gia khác trong TPP có hành động tương tự. Do nó sẽ khiến lợi ích của việc giảm thuế không còn nữa.



Những quy định như vậy sẽ ngăn Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT nếu về sau, nước này tham gia TPP. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Obama lại cảnh báo các quy định như vậy có thể phản tác dụng, khiến Mỹ bị thế giới săm soi nhiều hơn về chính sách tiền tệ.



Động thái của Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh tháng tới, Chủ tịch nước này - Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ. Hai nước đang bất đồng về nhiều vấn đề, từ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, an ninh mạng cho đến tranh chấp thương mại. Các cuộc đàm phán thương mại song phương với Bắc Kinh cũng đã phải dừng lại.



'Trung Quốc đang làm vấn đề thao túng tiền tệ thêm trầm trọng, đúng thời điểm ông Obama muốn hạn chế tranh cãi trước chuyến thăm của ông Tập và cũng là để xoa dịu các vấn đề về TPP', Michael Wessel - thành viên Ủy ban Xem xét các vấn đề về An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc cho biết.



Từ nhiều năm nay, các nhà lập pháp Mỹ đã kết tội Bắc Kinh thao túng tiền tệ, để giành lợi ích không công bằng cho các hãng xuất khẩu nước mình. Chính phủ Mỹ cũng thường xuyên tuyên bố đồng NDT 'đang bị định giá quá thấp'.



Vấn đề này đã dịu đi phần nào vài năm gần đây, khi NDT được cho phép tăng giá thêm 30% so với một rổ tiền tệ, và chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng tăng mạnh. Hồi tháng 5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng tiền này không còn bị định giá thấp nữa. Một số nhà phân tích cho rằng, với các lãnh đạo Trung Quốc, việc duy trì ổn định kinh tế và chính trị trong nước trước kỳ Đại hội đảng tháng 10 tới còn quan trọng hơn so với việc né tránh căng thẳng với Washington.



Mối quan hệ giữa Chính phủ Mỹ và Bắc Kinh khá phức tạp vài tháng gần đây. Trung Quốc cho rằng các động thái của họ chỉ là để phản ánh sát hơn diễn biến của NDT trên thị trường. Nhưng lời giải thích này không thuyết phục được Washington.



'Vấn đề là, chuyện gì sẽ xảy ra nếu NDT liên tục giảm sâu? Cam kết theo cơ chế thị trường có thể khiến NDT biến động rất mạnh. Chính phủ Trung Quốc thì không có hình ảnh tốt về việc này cho lắm. Cứ nhìn động thái can thiệp vào thị trường chứng khoán tháng trước là biết. Lúc nào họ cũng ưu tiên ổn định lên trên hết', Victor Shih - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học California nhận xét.



Bộ Tài chính Mỹ vẫn đang giữ thái độ quan sát và chờ đợi trước các cam kết gần đây của Trung Quốc, rằng sẽ minh bạch hóa và bám sát thị trường khi điều hành tỷ giá. Khi Trung Quốc tuyên bố hạ giá NDT thêm gần 2% hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ chỉ cho biết: 'Dù còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng đầy đủ của việc thay đổi tỷ giá tham chiếu NDT, Trung Quốc cũng đã khẳng định động thái hôm nay là một bước tiến trong nỗ lực thị trường hóa tỷ giá. Nếu đi ngược cải tổ, họ sẽ gặp rắc rối'.



Dù vậy, nhiều nghị sĩ Mỹ tham gia hoạch định chính sách kinh tế và thương mại không quá háo hức với các tuyên bố này. 'Chúng tôi có lý do để nghi ngờ việc Trung Quốc hạ giá nội tệ mạnh nhất hơn 2 thập kỷ chỉ đơn thuần là phản ánh thị trường', Sander Levin – Hạ nghị sĩ bang Michigan cho biết.



Cuộc tranh cử Tổng thống và Quốc hội 2016 tại Mỹ đang khiến vấn đề tiền tệ trở nên nóng hơn bao giờ hết. 'Dù là thao túng tiền tệ hay tấn công mạng, ông Obama dường như không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng chống lại Trung Quốc khi bị họ lừa gạt', Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhận xét.



Hà Thu (theo WSJ/Bloomberg)










Theo stockbiz.vn