Những nỗ lực cứu vãn thị trường tỏ ra không hiệu quả khi chứng khoán Trung Quốc tiếp đà suy thoái, kết thúc tháng 7 với mức sụt giảm mạnh nhất trong các chỉ số được Bloomberg theo dõi.



Đóng phiên giao dịch ngày hôm nay (31/7), chỉ số Shanghai Composite mất 1,1%, xuống 3.664 điểm chủ yếu do tác động của các mã nhóm năng lượng và công nghiệp. Trong tháng 7, Shanghai Composite Index lao dốc 15%, mạnh nhất trong 93 chỉ số được Bloomberg theo dõi trên toàn cầu.



Những nỗ lực can thiệp nhằm cứu thị trường của Chính phủ Trung Quốc tỏ ra chỉ có tác dụng nhất thời khi chỉ số Shanghai Composite tăng trong 3 phiên liên tục, song lại nhanh chóng quay đầu giảm. “Những biện pháp hỗ trợ không đạt được hiệu quả như Bắc Kinh mong đợi”, chuyên gia Bernard Aw thuộc hãng đầu tư IG Asia Pte (Singapore) nhận xét.





Diễn biến chứng khoán sàn Thương Hải trong tháng 7/2015. Nguồn: <em style='margin: 0px; padding: 0px;'>Bloomberg[/I]






Những mã bluechip được hưởng lợi lớn nhất từ gói cứu trợ gần 500 tỷ USD không thoát khỏi xu thế chung của thị trường. Trong tháng 7, cổ phiếu Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc rớt 8,5%, đây là bluechip tác động mạnh nhất tới đà giảm điểm của thị trường. Cổ phiếu hãng hàng không Air China giảm 10%, tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc - PetroChina trượt 5,3%, trong khi bảo hiểm Ping An giảm gần 20%.



Giá trị giao dịch cổ phiếu hôm nay trên sàn Thượng Hải thấp hơn 53% so với đỉnh điểm ngày 8/6, trong khi biên độ dao động giá trong vòng 100 ngày là lớn nhất trong vòng 6 năm qua.



Sau những hoạt động điều tra bán khống trên thị trường, mục tiêu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc là chống lại việc đặt lệnh mua ảo, nhằm kiếm lợi bất chính. Hiện tại, Ủy ban điều tiết Chứng khoán đang xác thực 24 tài khoản trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến bị nghi liên quan đến các hoạt động làm giá thị trường.



Đến nay, Bắc Kinh đã rót hơn gần 500 tỷ USD vào thị trường thông qua các quỹ tài chính nhằm vực lại chứng khoán. Các cơ quan quản lý nước này cũng cho phép khoảng hơn 500 doanh nghiệp niêm đóng băng giao dịch và cấm những cổ đông lớn bán cổ phiếu.



Những số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy yếu. Chỉ số sản xuất khối tư nhân bất ngờ chạm đáy 15 tháng, trong khi lợi nhuận công nghiệp giảm sút trong tháng 6. Theo Tân hoa xã, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh kiểm soát chính sách vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế và chống lại sức ép suy thoái.



Đức Anh (Theo Bloomberg)










Theo stockbiz.vn