Theo dữ liệu vừa công bố, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 223.000 việc làm trong tháng 6, thấp hơn con số dự báo 230.000 việc làm của các chuyên gia. Trong khi đó, thu nhập trung bình theo giờ của người lao động không tháng trong tháng 6 và chỉ tăng nhẹ 2% theo năm.



Dữ liệu này khiến giới đầu tư phần nào bớt đi lo lắng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9. Trước đó, Fed nói rằng, chỉ tăng lãi suất khi nào dữ liệu kinh tế bền vững. Với các dữ liệu vừa công bố, nhất là bảng lương phi nông nghiệp tháng 6, rõ ràng kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều yếu tố kém bền vững.



Tuy nhiên, bớt đi nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất, thì nhà đầu tư vẫn còn đó nỗi lo về tình hình nợ Hy Lạp, Puerto Rico và khả năng vỡ bong bóng chứng khoán Trung Quốc.



Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Hy Lạp cần 50 tỷ euro trong 3 năm tới để có thể trả hết nợ. Trong khi Hy Lạp sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về các điều kiện của các chủ nợ vào Chủ nhật này và ông kỳ vọng sẽ có 1 thỏa thuận đạt được trong thứ Hai tuần tới.



Dù vậy, phố Wall sẽ bước vào kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày, bắt đầu từ thứ Sáu, nên giới đầu tư tỏ ra thận trọng trong giao dịch. Các chỉ số chính của thị trường giảm nhẹ với thanh khoản thấp trong phiên thứ Năm, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần này.



Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones giảm 27,8 điểm (-0,16%), xuống 17.730,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,64 điểm (-0,03%), xuống 2.076,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,91 điểm (-0,08%), xuống 5.009,21 điểm.



Trong tuần, cả 3 chỉ số chính của phố Wall điều giảm mạnh, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 1,21%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4, chỉ số S&P 500 giảm 1,18%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 và chỉ số Nasdaq giảm 1,4%, mức lớn nhất kể từ đầu tháng 5.



Lo ngại về việc Hy Lạp vỡ nợ và đồng euro hồi phục mạnh trở lại khiến chứng khoán châu Âu nhanh chóng đảo chiều chỉ sau 1 phiên tăng. Ngoài ra, sự sụt giảm của cổ phiếu Electrolux sau khi công ty của Thụy Điển này gặp rắc rối với khiếu kiện tại Mỹ cũng góp phần khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều.



Kết thúc phiên 2/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,88 điểm (+0,33%), lên 6.630,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 81,15 điểm (-0,73%), xuống 11.099,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,63 điểm (-0,98%), xuống 4.835,56 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng mạnh theo đà hứng khởi của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc.



Trong phiên thứ Năm, chứng khoán Trung Quốc giảm tiếp gần 3,5% sau khi đã giảm hơn 5% trong phiên trước đó bất chấp các giải pháp đưa ra của các cơ quan quản lý nhằm cứu vãn tình thế về khả năng sụp đổ của thị trường chứng khoán. Theo đó, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã để cho các công ty chứng khoán tự xây dựng tỷ lệ margin tùy theo khả năng quản lý rủi ro của mình, nhằm tránh tình trạng hoạt động giải chấp diễn ra ồ ạt. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ giúp thị trường hồi phục mạnh trong phiên Ba, sau đó nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong 2 phiên tiếp theo.



Chứng khoán Trung Quốc đã có những bước tăng thần tốc kể từ cuối năm ngoái đến giữa năm nay với mức tăng gấp đôi. Tuy nhiên, kể từ mức đỉnh được thiết lập hồi giữa tháng 6 tới nay, chứng khoán Trung Quốc đã giảm nhanh trở lại, thậm chí là nhanh hơn lúc tăng với việc mất đi 20% giá trị chỉ sau hơn nửa tháng, qua đó khiến vốn hóa thị trường bốc hơi gần 3.000 tỷ USD, nhiều hơn GDP của Brazil.



Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 193,18 điểm (+0,95%), lên 20.522,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 32,29 điểm (+0,12%), lên 26.282,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 140,93 điểm (-3,48%), xuống 3.912,77 điểm.



Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục có phiên giảm giá, thậm chí có lúc đã xuống dưới ngưỡng 1.160 USD/ounce, nhưng sau đó hồi nhẹ trở lại nhờ bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ không như kỳ vọng và đồng USD giảm trở lại.



Tuy nhiên xu hướng của giá vàng trong tuần tới tiếp tục không được các nhà phân tích và đầu tư đánh giá cao.



Kết thúc phiên 2/7, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD (-0,22%), xuống 1.165,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 5,8 USD/ounce (-0,5%), xuống 1.163,5 USD/ounce.



Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,72%, giá vàng giao tháng 8 giảm 0,87%.



Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong 211 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 119 người, chiếm 56% cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới; 62 người, chiếm 29% có quan điểm lạc quan về giá vàng và 30 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.



Còn trong số 33 chuyên gia thị trường được liên lạc, có 18 trả lời trong tuần này, trong đó có 8 người, chiếm 44% lạc quan về vàng trong tuần tới; 7 chuyên gia, chiếm 39% vẫn cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm và 3 người, chiếm 17% giữ quan điểm trung lập.



Sau phiên giảm mạnh trước đó, giá dầu đã hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm và đóng cửa gần như không thay đổi. Tuy nhiên, trong tuần, giá dầu thô vẫn giảm khá mạnh với giá dầu thô Mỹ giảm 4,53% và dầu thô Brent giảm 1,88%.



Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,03 USD/thùng (-0,05%), xuống 56,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,10%), lên 62,07 USD/thùng.



T.Lê










Theo stockbiz.vn