Một ngày sau tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho rằng nước này cần cải tổ trước khi muốn các chủ nợ châu Âu cứu trợ.



Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters hôm qua, bà Lagarde tránh đưa ra bất cứ chỉ trích nào với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras - người luôn tỏ ra cứng rắn trước các yêu cầu thắt lưng buộc bụng đến từ châu Âu, song ám chỉ rằng lẽ ra kinh tế nước này đã có thể hồi phục trước trước đảng cánh tả Syriza lên nắm quyền.



'Sẽ hợp lý hơn nếu Hy Lạp cho thấy rõ mong muốn cải tổ trước khi đòi hỏi các bên còn lại ra tay', bà Lagarde trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Athens sẽ phải đưa ra cam kết cải tổ trước hay các chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể gia hạn nợ trước.



Từ vài tháng trước, Chính phủ Hy Lạp đã cấp tập thương thuyết với các chủ nợ châu Âu và IMF nhằm nới thời hạn thanh toán các khoản vay lên đến hàng chục tỷ euro. Nhưng cũng chính Athens - với quyết định cứng rắn của Thủ tướng Tsipras đã đột ngột bỏ ngang đàm phán và kêu gọi trưng cầu dân ý về việc có nên chấp thuận các yêu cầu thắt chặt chi tiêu từ bên ngoài. Lệnh kiểm soát vốn và đóng cửa hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán cũng được áp dụng, nhằm đảm bảo dòng tiền không chạy khỏi Hy Lạp.



Thủ tướng Hy Lạp hôm qua đã viết thư gửi tới các chủ nợ đề nghị cứu trợ bổ sung và có thể chấp nhận hầu hết các điều kiện. Bà Lagarde không bình luận về động thái mới này của Hy Lạp và cũng từ chối nêu quan điểm trực diện về độ tin cậy của một đối tác đàm phán như Tsipras. Song bà bóng gió cho biết đang ngày càng thất vọng về lập trường đàm phán của người đứng đầu Hy Lạp.



'Chỉ trong vài ngày gần đây thôi chúng tôi đã nhận được quá nhiều cái gọi là đề xuất cuối cùng, nhưng rồi khi chúng bắt đầu có hiệu lực thì lại bị vô hiệu hóa, thay đổi, chỉnh sửa. Thật không thể xác định đâu là đề xuất cuối cùng', bà nói.



Dòng người xếp hàng dài bên cạnh máy rút tiền tự động vài ngày qua là hình ảnh điển hình nhất cho những áp lực đang dồn lên ông Tsipras, người lên nắm quyền vào tháng một năm nay với cam kết chấm dứt tình trạng nền kinh tế khắc khổ và bảo vệ người nghèo.



'Điều tôi quan ngại chính là sau nhiều năm kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì bất ngờ mọi thứ đảo lộn, đẩy tất cả chúng ta ngược về nơi bắt đầu', bà Lagarde nói.



IMF từng bị chỉ trích vì phá vỡ quy định của chính mình khi cho Hy Lạp vay tiền và đồng tình với các biện pháp khắc khổ mà Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp đặt với Hy Lạp.



Kỳ Duyên












Theo stockbiz.vn