Đồng bạc xanh vẫn giữ giá khá vững trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 8/6, sau khi tăng mạnh trong hầu hết các phiên trong tuần trước nhờ các số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ khiến khả năng tăng lãi suất sớm trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng lớn hơn.



Tại Tokyo vào chiều 8/6, đồng USD đổi được 125,47 yen, giảm nhẹ so với 125,56 yen vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần trước (5/6) trên thị trường New York.



Sức mạnh của đồng USD càng được củng cố sau khi có số liệu mới nhất công bố ngày 5/6 cho biết, trong tháng Năm, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 280.000 việc làm, tăng nhiều hơn dự kiến, trong khi mức lương cũng tăng trưởng khá.



Trước đó, nhà đầu tư đã đón nhận những con số khả quan khác như thâm hụt thương mại giảm mạnh trong tháng Tư, niềm tin tiêu dùng tăng lên, doanh số bán ôtô trong tháng Năm cao hơn dự kiến và 'Sách Be' của Fed nhận định tăng trưởng kinh tế trong hai tháng Tư và Năm đã tốt hơn sau quý 1 trì trệ.



Những số liệu kinh tế tích cực này càng khiến khả năng tăng lãi suất của Fed trở nên gần hơn và hiện thực hơn.



Tuy nhiên, đà tăng của đồng bạc xanh đã chững lại phần nào do trong phiên đầu tuần, khi đồng yen nhích lên nhờ số liệu cho biết kinh tế Nhật Bản sau khi được điều chỉnh đã tăng trưởng 1,0% trong quý 1 vừa qua, tăng khá mạnh so với mức dự báo ban đầu chỉ là 0,6%.



Tốc độ tăng trưởng này có thể làm giảm đi khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, động thái thường làm đồng yen yếu đi.



Phiên này, đồng euro giảm giá so với cả USD và yen, xuống 1,1097 USD/euro và 139,28 yen/euro, so với 1,115 USD/euro và 139,56 yen/euro vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần trước (5/6) trên thị trường New York. Đồng bạc xanh cũng tăng giá so với các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.



THÙY CHI










Theo stockbiz.vn