Giá dầu thế giới sáng nay (1/4) đã bước sang ngày giảm thứ tư liên tục dưới sức ép từ triển vọng đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Trong tháng 3 vừa qua, giá dầu Brent “bốc hơi” 12%.



Theo hãng tin Reuters, thị trường đang kỳ vọng vào một thỏa thuận phút chót trong cuộc đàm phán giữa Iran và 6 cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, và Trung Quốc về chương trình hạt nhân của Tehran.



Cuộc đàm phán đang diễn ra ở Lausanne, Thụy Sỹ đã đi hạn chót là ngày 31/3 và các bên đã tiến sát một thỏa thuận, nhưng còn chưa nhất trí về một số chi tiết quan trọng như việc nới lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Iran.



Đàm phán đã có thời điểm tưởng chừng lâm vào bế tắc khi Mỹ dọa từ bỏ đàm phán và Iran khẳng định “quyền hạt nhân” của Tehran. Các quan chức cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng có thể mong manh và không hoàn chỉnh.



Lúc gần 10h trưa nay, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 giảm 0,25 USD/thùng, còn 47,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 5 giảm 0,08 USD/thùng, còn 55,03 USD/thùng.



Phiên hôm qua, giá dầu ngọt nhẹ giảm 1,08 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 47,6 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,18 USD/thùng, tương đương hạ 2,1%, còn 54,72 USD/thùng.



Các nhà đầu tư cho rằng, một thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ giúp nước này được nới trừng phạt, từ đó tăng mạnh mức xuất khẩu dầu, khiến tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu càng thêm trầm trọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng tình với quan điểm này.



“Cho dù có đạt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không, chúng tôi không kỳ vọng nguồn cung dầu thô vì thế mà tăng mạnh”, chiến lược gia Harry Tchilinguirian của BNP Paribas nói với Reuters. “Còn chưa rõ lệnh trừng phạt nào sẽ được nới và thời điểm được nới là khi nào, cho thấy Iran sẽ chưa thể sớm tăng xuất khẩu dầu”.



Mặc dù vậy, trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá dầu Brent đã giảm 8% do sức ép từ triển vọng đạt thỏa thuận hạt nhân Iran. Riêng trong 3 phiên tính đến hôm qua, giá dầu giảm 7%. Trong tháng 3, giá dầu Brent sụt 12%.



Nguồn cung dầu gia tăng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng gây áp lực mất giá cho dầu. Một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện cho thấy, nguồn cung dầu của OPEC trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái do xuất khẩu dầu của Iraq tăng trở lại sau một thời gian trải qua thời tiết xấu. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng đang khai thác dầu với tốc độ gần kỷ lục.



Một báo cáo của Viện Dầu lửa Mỹ (API) hôm qua cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ có thể đạt mức kỷ lục tuần thứ 12 liên tiếp trong tuần này, sau khi tăng 5,2 triệu thùng trong tuần trước.



Dưới lệnh trừng phạt đang được áp dụng, Iran chỉ được xuất khẩu tối đa 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Facts Global Energy, Iran có thể tăng sản lượng thêm khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng nếu không có lệnh trừng phạt, và tăng sản lượng thêm 700.000 thùng/ngày nữa trong vòng 1 năm tiếp theo.



Diệp Vũ










Theo stockbiz.vn