Không còn sử dụng từ “kiên nhẫn” không có nghĩa là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã “mất kiên nhẫn” trong việc tăng lãi suất, Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen đã khẳng định như vậy sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang.



Giới đầu tư nhận ra những dấu hiệu cho thấy Fed lạc quan hơn đối với quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong 6 năm qua, song nhiều nhà phân tích nhìn nhận rằng, đằng sau quyết định của Fed là một sự lạc quan rất thận trọng.



Trước hết, sự lạc quan của Fed về việc nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tích cực chỉ xuất hiện sau khi tỷ lệ thất nghiệp sụt giảm đáng kể và thị trường lao động của nước này cũng được cải thiện. Thêm vào đó, triển vọng chi tiêu tiêu dùng sáng sủa hơn khi thu nhập thực tế của người lao động được hỗ trợ nhờ giá dầu mỏ thấp. Tuy nhiên, việc Fed duy trì sự thận trọng là điều dễ hiểu, bởi kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu hơn dự đoán trong 3 tháng đầu năm 2015, cho dù đó có thể chỉ là những hiệu ứng ngắn hạn do tình hình thời tiết xấu, đồng USD mạnh lên và sự thu hẹp đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ của các công ty Mỹ.



Trước thông điệp mà Fed mới đưa ra, có thể nhận định rằng Fed sẽ tăng lãi suất, song ngân hàng trung ương Mỹ muốn chắc chắn rằng thị trường lao động trong nước tiếp tục được cải thiện hơn nữa, và tỷ lệ lạm phát phải nằm trong ngưỡng mục tiêu 2%. Thể chế tài chính này sẽ cần nhiều thời gian hơn để đánh giá tình hình kinh tế Mỹ, nhằm chắc chắn sẽ không xảy ra những xáo động mạnh khi các đợt tăng lãi suất được thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc, khả năng tăng lãi suất khó có thể diễn ra cho tới tháng 9/2015 hoặc thậm chí lâu hơn.



Chuyên gia kinh tế cấp cao tại BTIG, Dan Greenhaus phân tích: “Điều quan trọng nhất trong bản tuyên bố của Fed là thể chế tài chính này đang tìm kiếm sự cải thiện rõ nét hơn, nghĩa là hiện nay, nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí cần thiết cho một đợt tăng lãi suất. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng có khả năng Fed sẽ lần đầu tiên nâng lãi suất trong tháng 9 tới”.



Ngân hàng Goldman Sachs cũng đánh giá rằng, báo cáo của Fed cho thấy việc nâng lãi suất có thể được thực hiện vào tháng 9/2015, hơn là vào tháng 6/2015.



Về phần mình, chuyên gia kinh tế Bob Baur tại Principal Global Investors cho rằng: “Fed muốn duy trì sự linh hoạt nhất có thể trước các động thái lãi suất sắp tới. Ngân hàng trung ương Mỹ không muốn bị trói chặt trong các khung thời gian cụ thể, vì thế họ không đưa ra lộ trình tăng lãi suất”.



Xét trong dài hạn, Fed vẫn tin tưởng vào khả năng có thể kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống 5% mà không tạo thêm các sức ép lạm phát. Trong bản tóm tắt dự báo kinh tế hàng quý của mình, Fed đã cắt giảm dự báo lạm phát năm 2015, cũng như hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống mức từ 2,3 đến 2,7% trong năm nay, thay vì dự báo 3% như trước đó. Điều này cho thấy Fed luôn lo ngại về chỉ số lạm phát đang thấp hơn so với mức mục tiêu, một phần nguyên nhân là do giá năng lượng giảm.



Việc lo lắng về tỷ lệ lạm phát cho thấy, Fed có thể sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp thêm một thời gian nữa. Chủ tịch Yellen nhấn mạnh rằng các quyết định của Fed sắp tới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế Mỹ, đồng thời khuyến cáo các nhà đầu tư theo dõi sát các dữ liệu kinh tế để thấu hiếu rõ hơn định hướng và chính sách tiền tệ của Fed.



Trước đó, Fed cũng bày tỏ sự lưu tâm về việc tỷ giá đồng USD liên tục tăng mạnh, tác động tới xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Nếu Fed bắt đầu nâng lãi suất sớm, các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ là đối tượng chịu thiệt hại hơn nữa.



“Tôi cho rằng nhân tố USD cũng rất quan trọng trong các quyết sách của Fed. Biến động của đồng USD thời gian qua đã phần nào tác động tới suy nghĩ và sự cân nhắc của các nhà hoạch định chính sách Fed”, Jens Nordvig, chuyên gia tiền tệ chiến lược tại Ngân hàng Nomura đánh giá như vậy.



Tuy vẫn còn rất thận trọng nhưng sự lạc quan của Fed đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lập tức phản ứng tích cực và tăng điểm mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 18/3, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng tới 227,1 điểm (1,27%), chỉ số S&P 500 tăng 25,14 điểm (1,21%), chỉ số Nasdaq cũng tăng tốc tới 45,39 điểm (0,92%). Sau khi tụt xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, giá dầu cũng đã tăng trở lại sau quyết định thận trọng của Fed, trong khi tỷ giá đồng USD đã sụt giảm so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ.





Việt Khoa










Theo stockbiz.vn