Theo Fitch, nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn nhưng chưa đến mức quá tồi tệ. Theo Fitch, nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng âm 4,5% trong năm nay và âm 5,5% trong năm 2016.



Giám đốc cấp cao Paul Rawkins của Fitch Ratings cho biết dự trữ ngoại hối của Nga và những động thái kịp thời của chính phủ trước tình hình suy thoái kinh tế sẽ xác định mức xếp hạng tín nhiệm của nước này.



Hãng Fitch là công ty xếp hạng tín nhiệm lớn duy nhất vẫn đánh giá trái phiếu chính phủ Nga ở mức có thể đầu tư. Tuy nhiên, Fitch có thể xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống BBB- vào tháng sau.



Theo ông Rawkins, dự trữ ngoại hối 360 tỷ USD của Nga là thừa đủ để kiềm chế cuộc khủng hoảng hiện nay. Bên cạnh đó, việc tăng cường thặng dư tài khoản vãng lai và việc xây dựng một ngân sách hiệu quả hơn cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường này.



Fitch cho rằng tình hình tại Nga thuộc tình trạng suy giảm dần theo hướng tiêu cực chứ không phải là một cuộc khủng hoảng mạnh bất ngờ. Những yếu tố mà Fitch xem xét đã giúp xếp hạng tín nhiệm của Nga không đột nhiên giảm mạnh trong thời gian ngắn. Mặc dù Nga đang phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng nhưng Fitch khuyên các nhà đầu tư không nên quên vị thế mạnh mẽ của thị trường này trước đây.



Giá dầu giảm và cuộc xung đột tại Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ và suy thoái kinh tế tại Nga. Chính phủ nước này đã phải chi 38 tỷ USD để hỗ trợ ngành ngân hàng và công nghiệp của Nga. Những hãng xếp hạng tín nhiệm lớn như Standard & Poor’s và Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng của Nga xuống mức không khuyến nghị đầu tư (mức rác).



Hãng Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức thấp nhất trong khu vực khuyến nghị đầu tư cách đây 2 tháng. Đánh giá của hãng này với thị trường Nga là khá tiêu cực. Tuy nhiên, Giám đốc Rawkins cho biết Fitch cần làm rõ ràng những yếu tố ở trên trước khi quyết định xếp hạng tín nhiệm tiếp theo đối với Nga.



Dự trữ ngoại hối



Tính đến tháng 2/2015, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm mạnh nhất trong hơn 4 năm qua do chính phủ cần trang trải thâm hụt ngân sách đang ngày càng lớn.



Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm (OFZ) của Nga đã tăng 1,66 điểm phần trăm kể từ khi hãng Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga vào ngày 20/2/2015. Mức lợi tức này đã tăng lên 14,44% vào ngày 2/3 và hiện đã giảm xuống 13,48%. Chính phủ Nga cũng cho biết nước này không có kế hoạch phát hành trái phiếu cho đến tận năm 2017.



Đồng Rúp đã dần phục hồi từ biểu hiện tồi tệ trong năm 2014. Trong tuần trước, đồng Rúp đã tăng giá lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2015 do giá dầu thô giữ ở mức trên 60 USD/thùng và việc thực hiện lệnh ngừng bắn tại Ucraina.



Tháng 1/2015, ngân hàng trung ương Nga đã bất ngờ giảm lãi suất xuống 15%. Theo ông Rawkins, Nga có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất.



Giám đốc Rawkins cho biết nền kinh tế Nga mới chỉ rơi dần vào suy thoái, tình hình giá dầu vẫn còn bất ổn và rủi ro của sự thoái vốn vẫn chưa hết. Do đó, vẫn còn quá sớm để nói thị trường Nga đã bắt đầu hồi phục.



Dự đoán



Theo Fitch, nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng âm 4,5% trong năm nay và âm 5,5% trong năm 2016.



Giám đốc Rawkins cho rằng nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm nếu vẫn còn các lệnh trừng phạt, giá dầu vẫn ở mức thấp và không có đầu tư vào thị trường Nga. Theo dự báo của Fitch vào tháng 1/2015, giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp và kinh tế Nga có thể sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2016. Ngoài ra, những tác động tiêu cực đến tình hình tài chính công cũng như sự ổn định của ngành tài chính có thể khiến Nga bị hạ xếp hạng tín nhiệm.



Hiện nay, Nga có lạm phát rất cao, thu nhập thực tế ở mức thấp và đang chìm trong suy thoái. Tính đến tháng 2/2015, lạm phát tại Nga đã đạt 16,7%, mức cao nhất kể từ năm 2002. Tuy nhiên, ông Rawkins dự đoán tỷ lệ lạm phát có thể giảm xuống 12,5% khi nền kinh tế Nga suy giảm.



Tại một số thị trường mới nổi có cùng xếp hạng tín nhiệm với Nga như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, thu nhập kinh tế đang gia tăng. Ngược lại, người dân Nga phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế và sụt giảm thu nhập. Theo ông Rawkins, điều này có thể làm gia tăng bất mãn trong người dân Nga. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng từ kinh tế có thể dẫn đến bất mãn chính trị trong thời gian tới.



Tuy nhiên, chuyên gia Rawkins cho rằng những nguy cơ trên là những rủi ro trung hạn hơn là ngắn hạn. Tình hình trên chỉ xảy ra nếu nền kinh tế Nga suy thoái trong 3 năm liên tiếp, thất nghiệp ở mức cao và thu nhập bị suy giảm. Theo Giám đốc Rawkins, tình hình hiện nay tại Nga không tiêu cực đến mức như vậy.



Hoàng Nam












Theo stockbiz.vn