Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch ngược chiều với các thị trường chứng khoán chính khác của châu Á và châu Âu. Trong khi đó, đà tăng mạnh của vàng bị chặn lại khi đồng USD mạnh lên, trong khi dầu lao dốc với nỗi lo dưa thừa cung.



Việc giá dầu giảm mạnh trở lại đã tác động đến nhóm cổ phiếu năng lượng và qua đó khiến phố Wall gần như chìm trong sắc đỏ suốt phiên giao dịch ngày thứ Năm. Dow Jones thoái lui khỏi mức đỉnh lịch sử vừa thiết lập ngày thứ Tư, trong khi S&P 500 vẫn tiếp tục giảm điểm và lùi xa thêm đỉnh lịch sử thiết lập hôm thứ Ba. Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của nhóm công nghệ, chỉ số Nasdaq đi ngược lại xu hướng và có phiên tăng trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó.



Dù chìm trong sắc đỏ gần như suốt phiên và có lúc giảm khá sâu, nhưng về gần cuối phiên, những thông tin tích cực về kinh tế Mỹ giúp các chỉ số đã dần quay đầu và hãm bớt đà giảm.



Bộ Thương mại cho biết, đơn đặt hàng lâu bền hàng hóa sản xuất tăng 2,8% trong tháng 1/2015, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2014. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trong tuần trước để điều chỉnh theo mùa 313.000, mức cao nhất trong 6 tuần. Tuy nhiên, con số này vẫn cho thấy sự ổn định của thị trường lao động.



Hiện giới đầu tư đang quan tâm tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bởi chỉ số này được Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm căn cứ cho quyết định điều chỉnh lãi suất của mình.



Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, CPI không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng tăng 0,2% trong tháng Giêng. Trong năm qua, CPI lõi chỉ tăng 1,6%, dưới mục tiêu 2% mà Fed đặt ra.



Giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu GDP quý IV/2014 sửa đổi của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu này để biết xem sức khỏe thực sự của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo dự đoán của các nhà phân tích, GDP quý IV/2014 của Mỹ sẽ được điều chỉnh xuống 2,1% so với mức 2,6% như công bố sơ bộ ban đầu.



Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Dow Jones giảm 10,15 điểm (-0,06%), xuống 18.214,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,12 điểm (-0,15%), xuống 2.110,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,75 điểm (+0,42%), lên 4.987,89 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau phiên rung lắc trước đó, các thị trường chứng khoán chính của khu vực đã đồng loạt tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch thứ Năm, lên mức cao nhất trong nhiều năm nhờ thông tin tích cực từ cổ phiếu thực phẩm, đặc biệt là từ nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev với thông tin tăng cổ tức và kế hoạch mua lại cổ phần.



Ngoài ra, chứng khoán châu Âu cũng được hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế tích cực của khu vực, như niềm tin tiêu dùng trong khu vực đồng euro cũng được cải thiện từ tháng 1 đến tháng 2; cho vay trong khu vực giảm ít hơn dự kiến, trong khi thị trường việc làm của Đức được cải thiện. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bơm tiền để mua trái phiếu trong tháng 4, bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng định lượng của mình để kích thích kinh tế khu vực.



Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,35 điểm (+0,21%), lên 6.949,73 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 116,92 điểm (+1,04%), lên 11.327,19 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,40 điểm (+0,58%), lên 4.910,62 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2008.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, cùng với việc đồng yên giảm trở lại so với đồng USD và việc mua vào của các quỹ phòng hộ, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã đảo chiều và tăng lên mức cao nhất 15 năm trong phiên thứ Năm. Không chỉ chứng khoán Nhật, dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc được công bố trước đó cũng giúp chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tăng mạnh, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục với mức tăng hơn 2%.



Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Nikkei 225 tăng 200,59 điểm (+1,08%), lên 18.785,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 123,78 điểm (+0,50%), lên 24.902,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 69,52 điểm (+2,15%), lên 3.298,36 điểm.



Giá vàng đã có sự khởi đầu tích cực trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Có thời điểm giá kim loại quý này đã leo lên trên ngưỡng 1.220 USD/ounce khi nhu cầu vàng vật chất của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan đã khiến đồng USD tăng mạnh trở lại, cùng với đó là giá dầu thô giảm mạnh đã khiến giá vàng hạ nhiệt dần và đóng cửa dưới mức 1.210 USD/ounce dù vẫn giữ được phiên tăng thứ 2 liên tiếp.



Kết thúc phiên 26/2, giá vàng giao ngay tăng 5 USD (+0,42%), lên 1.209,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 8,6 USD/ounce (+0,72%), lên 1.210,1 USD/ounce.



Kỳ vọng nguồn cung dầu tăng và kho dự trữ của Mỹ tăng đã khiến giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh trở lại, xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô Brent được hãm bớt bởi dự báo về nhu cầu cải thiện và lo ngại về nguồn cung với cẳng thẳng địa chính trị tại Lybia và Nga. Trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine nếu nước này chậm thanh toán tiền, trong khi cuộc xung đột tại Lybia, một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn cũng đe dọa nguồn cung.



Kết thúc phiên 26/2, giá dầu thô Mỹ giảm 2,82 USD/thùng (-5,85%), xuống 48,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,58 USD (-2,63%), xuống 60,05 USD/thùng.










Theo stockbiz.vn