Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 11 vừa qua đã giảm 0,3%, mức giảm mạnh nhất trong gần 6 năm, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008.



Trong 12 tháng tính đến tháng 11 vừa qua, CPI tăng 1,3%, mức tăng yếu nhất trong 9 tháng.



Nhà kinh tế trưởng Joel Naroff, thuộc Naroff Economic Advisors tại Holland (Pennsylvania), nhận định số liệu trên có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong nửa đầu năm tới.



Fed dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ dần tăng lên mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra. Kể từ tháng 12/2008 đến nay, Fed vẫn đang giữ lãi suất ngắn hạn gần mức 0%.



Kết thúc cuộc họp cuối cùng kéo dài hai ngày của năm 2014, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhất trí tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp 0-0,25% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi đã chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ QE-3 hồi tháng 10 vừa qua.



Sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ và nhu cầu trên toàn cầu giảm sút đã đẩy giá dầu thô rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi. Tình trạng lao dốc của giá dầu đã tác động đến tình hình lạm phát tại Mỹ.



Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Jay Morelock thuộc FTN Financial tại New York, nếu giá năng lượng tiếp tục giảm, sự thua lỗ của các công ty năng lượng sẽ ảnh hưởng đến GDP của Mỹ.



Trong một thông tin liên quan, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ trong quý 3 vừa qua đã tăng 1,9% so với quý trước lên 100,26 tỷ USD. Sự gia tăng này chủ yếu do nguồn thu từ nước ngoài như các khoản nộp phạt giảm sút./.



TRÀ MY










Theo stockbiz.vn