Chứng khoán toàn cầu có phiên khởi đầu tuần mới đầy hứa hẹn với mức tăng tốt, trong đó, Dow Jones và S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới, trong khi đó, giá vàng đã đánh bất hơn 1 nửa những gì đã đạt được của phiên cuối tuần trước.



Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm đầu tuần, giúp cả Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới. Phố Wall tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vận tải, nhất là hàng không và đường sắt khi giá dầu liên tục sụt giảm trong thời gian qua, cùng với lãi suất thấp đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các ngành này.



Ngoài 2 nhóm trên, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe cũng tăng mạnh trong phiên đầu tuần, hỗ trợ cho S&P 500 thiết lập kỷ lục mới. Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 2 tháng.



Mùa công bố kết quả kinh doanh đã gần kết thúc và mọi thứ đều diễn ra hết sức tốt đẹp. Hiện còn nhóm ngành bán lẻ chưa công bố kết quả kinh doanh.



Giới phân tích cho rằng, nhà đầu tư quốc tế đang dồn đến phố Wall do họ đánh giá sẽ được hưởng lợi bởi đồng USD tăng lên.



Trong 3 tuần qua, cả Dow Jones và S&P 500 đều đã tăng 7%, mức tăng tốt nhất trong chuỗi 3 tuần liên tiếp kể từ tháng 10/2011.



Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones tăng 39,81 điểm (+0,23%), lên 17.613,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,34 điểm (+0,31%), lên 2.038,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,08 điểm (+0,41%), lên 4.651,62 điểm.



Chứng khoán châu Âu cũng có phiên khởi đầu tuần mới khả quan nhờ hoạt động mua bán, sáp nhập.



Kết thúc phiên 10/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,01 điểm (+0,67%), lên 6.611,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 60,04 điểm (+0,65%), lên 9.351,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 32,93 điểm (+0,79%), lên 4.222,82 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh trong phiên đầu tuần mới do đồng yên tăng trở lại so với đồng USD sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần trước, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng vọt khi các quan chức công bố, việc liên thông giữa 2 sàn Hồng Kông và Thượng Hải sẽ bắt đầu từ ngày 17/11 tới đây, qua đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên được truy cập thị trường cổ phiếu quy mô 3.900 tỷ USD của Trung Quốc.



Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 giảm 99,85 điểm (-0,59%), xuống 16.780,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 194,46 điểm (+0,83%), lên 23.744,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 55,50 điểm (+2,30%), lên 2.473,67 điểm.



Trong khi đó, giá vàng đã đánh mất hơn 1 nửa những gì đã đạt được trong phiên cuối tuần trước trong phiên giao dịch đầu tuần này. Giá vàng hiện đang chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, cụ thể hiện tại là giá dầu và USD. Trong phiên cuối tuần trước, đồng USD giảm, giá dầu tăng sau dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố giúp vàng có cú nhảy vọt bất ngờ, nhưng khi bước vào tuần giao dịch mới, đồng USD tăng trở lại, trong khi giá dầu quay đầu giảm mạnh khiến giá kim loại quý này cũng mất tới hơn 2%.



Kết thúc phiên 10/11, giá vàng giao ngay giảm 26,9 USD (-2,28%), xuống 1.151,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 18,9 USD (-1,6%), xuống 1.159,8 USD/ounce.



Giá dầu sau phiên tăng trở lại cuối tuần trước do lo ngại tình hình căng thẳng trở lại ở Ukraine và Trung Đông, đã giảm trở lại trong ngày đầu tuần mới với việc dầu thô Mỹ xuống dưới 78 USD/thùng và dầu thô Brent cũng xuống dưới 83 USD/thùng.



Kết thúc phiên 10/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,25 USD (-1,61%), xuống 77,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,05 USD (-1,28%), xuống 82,34 USD/thùng.



T.Lê


















Theo stockbiz.vn