Sau tuần tăng mạnh trước đó, lại nhận được các thông tin kinh tế không mấy khả quan khi bước vào tuần mới, nên áp lực chốt lời đã được kích hoạt trên diện rộng, đẩy các thị trường chứng khoán quay đầu giảm điểm trong phiên đầu tuần.



Sau 2 tuần tăng mạnh, đặc biệt là tuần tăng vừa qua, giúp các chỉ số của phố Wall thiết lập đỉnh cao mới, áp lực chốt lời ngắn hạn đã gia tăng khi thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên đầu tiên của tháng 11.



Áp lực chốt lời khiến Dow Jones và S&P 500 quay đầu giảm nhẹ, trong khi Nasdaq vẫn duy trì được sắc xanh.



Trong các dữ liệu kinh tế mới nhất, chi tiêu xây dựng của Mỹ trong tháng 9 giảm 0,4%, không đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất bất ngờ tăng tốc trong tháng 10, cùng với đó là doanh số bán ô tô tăng mạnh trong tháng, giúp giảm bớt những lo lại về tăng trưởng kinh tế của Mỹ.



Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Dow Jones giảm 24,28 điểm (-0,14%), xuống 17.366,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,24 điểm (-0,01%), xuống 2.017,81 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,17 điểm (+0,18%), lên 4.638,91 điểm.



Theo dữ liệu vừa công bố, Chỉ số PMI của khu vực Liên minh châu Âu trong tháng 10 đứng ở mức 50,6 từ mức 50,3 của tháng 9. Dù tăng nhẹ, nhưng mức tăng thấp hơn kỳ vọng, khiến tăng thêm lo ngại kinh tế của khu vực vốn đang khá yếu ớt sau cuộc khủng hoảng 2007 - 2008 này.



Những dữ liệu này, cùng với dữ liệu PMI không khả quan của Trung Quốc càng khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu có lý do để hiện thực hóa lợi nhuận của mình càng sớm càng tốt, kéo chứng khoán châu Âu giảm mạnh.



Kết thúc phiên 3/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 58,50 điểm (-0,89%), xuống 6.487,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 75,17 điểm (-0,81%), xuống 9.251,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 39,06 điểm (-0,92%), xuống 4.194,03 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm điểm do chịu áp lực chốt lời. Trong khi đó, dù dữ liệu PMI không khả quan được công bố, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn duy trì được sắc xanh nhạt. Theo báo cáo mới được HSBC công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 10 của Trung Quốc giảm xuống mức 50,8 từ mức 51,1 của tháng trước.



Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 82,09 điểm (-0,34%), xuống 23.915,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 9,85 điểm (+0,41), lên 2.430,03 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ phiên đầu tuần, nhưng khi trở lại trong phiên sáng nay, đà tăng mạnh của phiên cuối tuần trước tiếp tục được duy trì khi Nikkei 225 tăng vọt 4% khi mở cửa. Nhiều khả năng thông tin BOJ mở rộng gói kích thích kinh tế sẽ ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán Nhật Bản trong một số phiên nữa.



Chịu tác động của việc đồng USD tăng giá mạnh, giá vàng tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp khi mở đầu tuần mới và đang lùi dần về mốc thấp nhất 4 năm xác lập vào cuối tuần trước.



Kết thúc phiên 3/11, giá vàng giao ngay giảm 7,60 USD (-0,65%), xuống 1.165.30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,7 USD (-0,32%), xuống 1.169,8 USD/ounce.



Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh sau khi Ả rập Saudi giảm giá mạnh cho khách hàng Mỹ của mình. Ngoài ra, cũng như giá vàng, giá dầu cũng chịu áp lực do đồng USD tăng giá mạnh.



Kết thúc phiên 3/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,76 USD (-2,23%), xuống 78,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,08 USD (-1,27%), xuống 84,78 USD/thùng



T.Lê














Theo stockbiz.vn