Giới đầu tư cảm thấy “bất an” sau lời tuyên chiến chống lại phiến quân của Nhà nước hồi giáo (IS) của Tổng thống Mỹ Barack Obama.



Sau mỗi quan tâm Ukraine, giới đầu tư lại hướng sự lo lắng về Vùng vịnh với cuộc chiến của phương Tây với IS tại Iraq, Syria.



Bên cạnh đó, dù lệnh ngừng bắn ở Ukraine đã được ký kết, nhưng khá lung lay, trong khi phương Tây gia tăng thêm lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, khiến mâu thuẫn Đông - Tây càng thêm tăng cũng khiến giới đầu tư lo lắng.



Những lo lắng trên khiến phố Wall giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch của ngày thứ Năm. Tuy nhiên, vào cuối phiên, với sự hỗ trợ trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng, vốn giảm mạnh trước đó theo xu hướng của giá dầu, phố Wall đã dần hồi trở lại và chỉ còn mỗi Dow Jones chưa kịp về tới điểm xuất phát.



Về thông tin kinh tế, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bán lẻ tháng 8 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu với dự đoán sẽ tăng nhẹ sau khi gây thất vọng trong tháng 7. Nếu dữ liệu bán lẻ khả quan, thì khả năng FED tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch trong cuộc họp tuần tới sẽ cao hơn. Trong khi đó, theo một cuộc tham dò mới nhất, 55% số người được tham khảo dự đoán FED sẽ tăng lãi suất vào quý II/2015.



Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Dow Jones giảm 19,71 điểm (-0,12%), xuống 17.049,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,76 điểm (+0,09%), lên 1.997,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,28 điểm (+0,12%), lên 4.591,81 điểm.



Nỗi lo lắng về khả năng Scotland tách khỏi Vương quốc Anh đã được giảm bớt khi theo một cuộc thăm dò mới nhất của Survation, số người ủng hộ ở lại đang tăng lên chiếm 53%, trong khi số người muốn ly khai là 47%. Cuộc tham dò ý kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/9 tới và từ giờ tới thời điểm đó, sẽ có thêm những thay đổi. Với thông tin này, đồng bảng Anh đã hãm đà giảm và giới đầu tư cũng bớt lo lắng hơn.



Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu vẫn có phiên giảm mạnh từ những nỗi lo khác. Thông tin về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên trong tuần qua, cùng lo ngại về đà tăng trưởng của Trung Quốc khiến chứng khoán châu Âu có phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm, xuống mức thấp nhất tuần.



Kết thúc phiên 11/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,49 điểm (-0,45%), xuống 6.799,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,89 điểm (-0,09%), xuống 9.691,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 9,89 điểm (-0,22%), xuống 4.440,90 điểm.



Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh nhờ đồng yên đứng ở mức thấp 6 năm so với đồng USD, thì chứng khoán Hồng Kông lại có phiên giảm thứ 5 liên tiếp khi giới đầu tư lo ngại hơn về các dữ liệu kinh tế và lo sợ rủi ro khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ chống lại các chiến binh Nhà nước hồi giáo (IS).



Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 120,42 điểm (+0,76%), lên 15.909,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 42,72 điểm (-0,17%), xuống 24.662,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 6,63 điểm (-0,29%), xuống 2.311,68 điểm.



Giá vàng tiếp tục giảm giá khi những lo ngại về khả năng FED tăng lãi suất ngày càng tăng, bất chấp được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị và chiến tranh.



Kết thúc phiên 11/9, giá vàng giao ngay giảm 8,80 USD (-0,71%), xuống 1.240,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 6,3 USD (-0,51%), xuống 1.239,0 USD/ounce.



Trong khi đó, giá dầu đã hồi trở lại sau chuỗi ngày giảm giá tệ hại. Giá dầu thô kỳ hạn Mỹ đã tăng 1,25%, trong khi giá dầu thô Brent lại gần như không đổi trong phiên thứ Năm.



Kết thúc phiên 11/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,16 USD (+1,25%), lên 92,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,04 USD (+0,04%), lên 98,08 USD/thùng.










Theo stockbiz.vn