Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố GDP nước này đã giảm 7,1% trong quý II, mạnh nhất từ đầu năm 2009.



Tác động của việc nâng thuế tiêu dùng đầu tháng 4 sẽ còn ảnh hưởng đến cả quý này, khi doanh số bán lẻ và chi tiêu của các hộ gia đình đều giảm trong tháng 7. Chính phủ Nhật Bản tuần trước cũng ra tín hiệu sẵn sàng tung kích thích để ngăn chặn tác động tiêu cực từ đợt nâng thuế tiếp theo vào tháng 10/2015.



'Mọi việc đang ngày càng trở nên khó khăn nếu ông Abe muốn tiếp tục nâng thuế lên 10%. Theo tình hình hiện tại, đây sẽ là quyết định không hề dễ dàng ', Minoru Nogimori - nhà kinh tế học tại Nomura cho biết.



Đầu tư vốn của các công ty đã giảm 5,1% so với quý trước, hơn gấp đôi ước tính trước đó là 2,5%. Tiêu dùng cá nhân cũng giảm 5,1%, cao hơn số liệu sơ bộ là 5%. Thặng dư vãng lai của Nhật Bản trong tháng 7 chỉ đạt 416,7 tỷ yen, thấp hơn dự đoán của Bloomberg là 444,2 tỷ yen.



Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Akira Amari cho biết nước này sẽ không tăng thuế mà không đi kèm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính - Taro Aso cũng tuyên bố đã có kế hoạch kích thích. Quy mô của gói kích thích tài khóa có thể vào khoảng 2.000 tỷ yen, Hiroaki Muto - nhà kinh tế học tại hãng quản lý tài sản Sumitomo Mitsui dự đoán.



Ông Abe đang nỗ lực tạo đà phục hồi bền vững cho kinh tế Nhật Bản sau 2 thập kỷ giảm phát. Cho đến quý trước, các gói kích thích kỷ lục của Ngân hàng trung ương đã mang lại thành công ban đầu trong chiến dịch này.



Dù vậy, sự chật vật của nền kinh tế thời gian gần đây đang khiến nỗ lực này gặp khó. Dự định tăng thuế tiêu dùng lên 10% năm tới, nhưng ông Abe cho biết sau khi đánh giá nền kinh tế, cuối năm nay ông sẽ quyết định có nên tiếp tục việc này hay không.



Hà Thu










Theo stockbiz.vn