Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, năm nay, Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn gạo và lại đóng vai trò là người “điều khiển” thị trường gạo thế giới.



Theo dự báo của USDA, năm 2014 sẽ là năm thứ 4 liên tiếp sản xuất gạo trên thế giới được mùa và dự trữ gạo sẽ tiếp tục tăng cao. Theo đó, lượng gạo giao dịch trên thị trường thế giới năm 2014 sẽ đạt 40,7 triệu tấn.



Tình hình xuất - nhập khẩu



Trong số các nước xuất khẩu gạo chủ chốt ở châu Á, Thái Lan là nước duy nhất có khả năng xuất khẩu với khối lượng lớn và giá giảm thêm nữa trong năm nay, bởi lượng dự trữ của nước này lên tới 13-15 triệu tấn thóc quy gạo, chưa kể khoảng 7 triệu tấn nữa đang được bổ sung.



Trong 2 tháng đầu năm 2014, Thái Lan đã giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với 1,5 triệu tấn (theo báo cáo của CTCP Intertrade, Thái Lan), trong khi Ấn Độ và Việt Nam - hai nước xuất khẩu nhất, nhì thế giới năm 2013 chỉ xuất khẩu 800.000 đến 1 triệu tấn.



Ấn Độ hiện có lượng dự trữ gạo khổng lồ, song quốc gia đông dân này luôn phải cảnh giác đề phòng thiên tai, nên có thể giảm xuất khẩu bất cứ lúc nào nếu thấy nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Việt Nam có lượng cung lúa gạo dồi dào, song chỉ tập trung vào những giai đoạn thu hoạch.



Về nhập khẩu, USDA dự báo, năm 2014, Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo chính, với 3,2 triệu tấn; Nigeria nhập khẩu 3 triệu tấn gạo; Indonesia nhập 1,5 triệu tấn; Philippines nhập 1,45 triệu tấn...



Hiện Trung Quốc là quốc gia có lượng gạo dự trữ lớn nhất thế giới. Theo một số liệu, lượng gạo nước này dự trữ đủ cho 1,4 tỷ dân của họ ăn trong 190 ngày, trong khi đó phần còn lại của thế giới chỉ dự trữ cho 71 ngày.



Những nguy cơ bất ổn



Theo các chuyên gia, thị trường gạo thế giới phải đối mặt với một số nguy cơ gây bất ổn. Đó là những thay đổi trong chính sách nông nghiệp ở Thái Lan; hiện tượng El Nino gây nhiều trở ngại cho sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ... Tại Thái Lan, Chính quyền quân sự nước này đã thanh toán xong khoản nợ khổng lồ 3 tỷ USD cho 800.000 hộ nông dân nước này. Tiếp theo là thành lập hơn 100 đội liên ngành điều tra tình hình thực tế dự trữ gạo tại 1.800 kho trữ gạo khắp cả nước trước nhiều cáo buộc tham nhũng, cùng với lệnh ngừng xuất khẩu gạo khiến cho gạo Thái Lan đột nhiên biến mất khỏi cuộc chơi trên thị trường quốc tế trong thời gian ngắn.



“Đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu gạo thế giới”, một chuyên gia Thái Lan đánh giá trên tờ Bangkok Post.



Hiện tượng thời tiết El Nino vốn là “thảm họa” thường xuyên của Ấn Độ đang quay trở lại ở quốc gia này đã tác động trực tiếp tới xuất khẩu gạo của Ấn Độ. . Tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng mạnh hơn nữa đến thị trường gạo thế giới.



Campuchia - yếu tố gây bất ngờ



Trong khi đó, Campuchia đã có bước tiến nhanh đáng kinh ngạc. 10 năm trước, mọi người thường nghĩ Campuchia chỉ sản xuất được lượng gạo đủ ăn. Thế nhưng, trên thị trường quốc tế, gạo Campuchia đang có uy tín về chất lượng cao, khi liên tiếp trong hai năm 2012 và 2013 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới.



Từ thị trường châu Âu, Campuchia đang vươn ra xuất khẩu gạo sang Mỹ và Hàn Quốc. Do có lợi thế cả về giá cả lẫn chất lượng, nên gạo Campuchia đang tràn sang các nước láng giềng, kể cả Thái Lan và Việt Nam. Trong khi các nước xuất khẩu gạo lớn vẫn mải mê với mục tiêu duy trì hoặc giành được ngôi vị cao về xuất khẩu gạo, thì Campuchia đang lặng lẽ chiếm lĩnh nhiều thị trường gạo khó tính nhờ chất lượng gạo thơm ngon. Ngay cả Thái Lan sở hữu loại gạo Hom Mali nổi tiếng thế giới cũng phải giật mình bởi Campuchia đang đe dọa cạnh tranh với họ ngay cả trên “sân nhà”.



Hiện tại, Campuchia có khả năng sản xuất khoảng 9-10 triệu tấn lúa/năm (tương đương với 5 triệu tấn gạo chất lượng cao), nhưng chỉ xuất khẩu 370.000 tấn gạo trong năm 2013. Với dân số khoảng 15 triệu người, tổng mức tiêu thụ gạo của Campuchia ước đạt 2,1 triệu tấn/năm. Mục tiêu của họ là xuất khẩu 1 triệu tấn vào năm 2015.



Nguyễn Chiến










Theo stockbiz.vn