Nhà đầu tư trên cả thị trường chứng khoán, vàng và nhiên liệu đồng loạt tháo chạy trong phiên giao dịch cuối tháng 7 khi mối lo FED sẽ sớm tăng lãi suất tăng lên.



Một điều nghịch lý khá thú vị đang xảy ra trên phố Wall khi dữ liệu kinh tế càng tích cực, giới đầu tư chứng khoán càng lo sợ.



Theo dữ liệu vừa được công bố ngày thứ Tư, GDP quý II của Mỹ tăng 4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3% của giới phân tích. GDP quý I của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được điều chỉnh lại là giảm 2,1% so với mức giảm 2,9% như công bố ban đầu.



Trong ngày thứ Năm, dữ liệu công bố cho thấy, chi phí lao động của Mỹ trong quý II đã ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 5 năm rưỡi qua, cùng với tỷ lệ thất nghiệp giảm được công trước đó cho thấy, thị trường lao động Mỹ đang có sự cải thiện đáng kể.



Thông thường, những thông tin kinh tế tích cực sẽ hỗ trợ chứng khoán tăng điểm. Tuy nhiên, chính những thông tin tích cực này của nền kinh tế Mỹ khiến giới đầu tư lo lắng FED sẽ sớm tăng lãi suất.



Trong cuộc họp kết thúc vào thứ Tư vừa qua, FED đã cắt giảm thêm 10 tỷ USD/tháng đối với gói kích thích kinh tế, xuống còn 25 tỷ USD/tháng. Đồng thời, cơ quan hoạch định chính sách này cũng ám chỉ khả năng tăng lãi suất sớm nếu các dữ liệu kinh tế tích cực. FED đã duy trì lãi suất gần như bằng 0 kể từ tháng 12/2008 và nay chính là điều kiện lý tưởng để FED tăng lãi suất khi GDP tăng mạnh và tiền lương cũng tăng lên.



Với những suy đoán trên, giới đầu tư phố Wall đã đồng loạt bán tháo, kéo cả 10 chỉ số chính của S&P 500 đều giảm điểm. Chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4, trong khi phiên giảm tồi tệ này khiến Dow Jones có tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 1 và cũng khiến chỉ số này giảm 0,1% trong năm nay. Trong khi đó, dù giảm mạnh, nhưng cả S&P 500 và Nasdaq vẫn giữ được mức tăng so với cuối năm trước.



Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng mạnh tới 27,2%, đóng cửa ở mức 16,95, mức cao nhất kể từ ngày 11/4. Thông thường, chỉ số VIX có biến động trái chiều với S&P 500.



Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones giảm 317,06 điểm (-1,88%), xuống 16.563,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,40 điểm (-2,00%), xuống 1.930,67 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 93,13 điểm (-2,09%), xuống 4.369,77 điểm.



Trong tháng 7, Dow Jones giảm 1,6%, chỉ số S&P 500 giảm 1,5%, chỉ số Nasdaq giảm 0,9%.



Một thông tin khác cũng khiến giới đầu tư chứng khoán toàn cầu phải lo lắng là việc Agrentia vỡ nợ lần thứ 2 trong vòng 13 năm, trong khi Nga bắt đầu trả đũa lệnh trừng phạt của EU và Mỹ khi cấm nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp từ các nước châu Âu.



Cùng với những lo ngại về FED sẽ tăng lãi suất sớm, thông tin trên cũng khiến giới đầu tư châu Âu hốt hoảng và bán tháo trong phiên thứ Năm, đẩy chỉ số bluechip của khu vực xuống mức thấp nhất 3 tháng. Ngoài ra, kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Adidas và nỗi lo về ngân hàng Banco Espirito Santo của Bồ Đào Nha cũng góp phần đẩy chứng khoán khu vực lao dốc trong phiên thứ Năm.



Kết thúc phiên 31/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,33 điểm (-0,64%), xuống 6.730,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 186,20 điểm (-1,94%), xuống 9.407,48 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 66,16 điểm (-1,53%), xuống 4.246,14 điểm.



Cũng theo thông tin vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,4% theo năm, mức thấp nhất kể từ năm 2009. CPI tháng 6 tăng 0,5%. Những con số này thấp hơn mục tiêu 2,0% theo năm mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.



Chứng khoán châu Á kết thúc sớm hơn, nên chưa bị ảnh hưởng bởi các thông tin từ Âu, Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động chốt lời khiến Nikkei 225 chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng điểm và chứng khoán Trung Quốc hồi mạnh sau phiên điều chỉnh kỹ thuật trước đó.



Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 25,46 điểm (-0,16%), xuống 15.620,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 24,64 điểm (+0,10%), lên 24.756,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 20,32 điểm (+0,93%), lên 2.201,56 điểm.



Những lo ngại về khả năng FED sẽ sớm tăng lãi suất cũng khiến nhà đầu tư trên thị trường vàng lo lắng và hoạt động bán tháo diễn ra, khiến giá kim loại quý này giảm hơn 1% trong phiên cuối tháng 7.



Kết thúc phiên 31/7, giá vàng giao ngay giảm 14,0 USD (-1,08%), xuống 1.280,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 13,6 USD (-1,05%), xuống 1.281,3 USD/ounce.



Bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, dầu thô vẫn tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp, thậm chí mức giảm còn tồi tệ hơn 2 phiên trước khi hoạt động bán tháo xảy ra do đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất gần 1 năm rưỡi. Trong tháng 7, đồng bạc xanh đã tăng tới 2% so với rổ tiền tệ gồm 6 loại tiền mạnh.



Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,10 USD (-2,14%), xuống 98,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,46%), xuống 106,02 USD/thùng.



TL










Theo stockbiz.vn