Nhiều doanh nghiệp dệt may kiến nghị Thông tư 37/2015 của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may đã khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, tắc nghẹn hàng tại cửa khẩu chờ thông quan.



Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn bởi thông tư này vừa khiến mất nhiều thời gian chờ kiểm tra thông quan vừa đội thêm nhiều chi phí.



Theo bà Oanh, một lô hàng nhập về sản xuất sẽ tốn thêm chi phí chờ thông quan gồm phí thuê kho, bãi trong 2-3 ngày chờ giám định với mức trung bình 55 USD/shipment và phí kiểm định mẫu vải của Bộ Công Thương 99 USD/shipment.



Có doanh nghiệp thừa nhận mỗi năm công ty tốn gần 3 tỉ đồng bởi khâu kiểm tra mẫu vải như thế này. Theo doanh nghiệp này, mỗi đợt lô hàng trung bình cần có 3-4 mẫu đưa ra kiểm tra hàm lượng formaldehyt, amin thơm với mức phí 1,67 triệu đồng/mẫu vải.



Doanh nghiệp phải thuê phí bãi, kho chờ sau 3-5 ngày mới nhận được kết quả. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn lấy ngay phải tốn chi phí thêm 700.000 đồng/mẫu. Như vậy, chi phí nhập khẩu vải đã đội lên rất nhiều.



Các doanh nghiệp dệt may tham dự hội thảo mới đây do Viện Kinh tế Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức đều kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét lại thông tư này.



Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thì cho rằng, Bộ Công Thương nên xem xét đình chỉ hiệu lực của Thông tư 37 bởi Thông tư này có nhiều điểm chưa phù hợp với Nghị định 19 của Chính phủ về chuyển mạnh sang hậu kiểm thay vì kiểm tra hàng tại kho bãi nơi thông quan.



Hải Minh










Theo stockbiz.vn