Tốc độ tái cơ cấu ì ạch, chậm thực hiện thắt chặt tài khoá, nguy cơ tăng trưởng tín dụng nóng, rủi ro trong ngành ngân hàng, môi trường bên ngoài bất ổn được dự báo sẽ là những yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam.



Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam công bố tuần trước, Ngân hàng Thế giới cho biết kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế thế giới và dự kiến sẽ có triển vọng tích cực trong trung hạn. Tuy nhiên, thể chế tài chính này cũng nêu ra nhiều rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.



Ở trong nước, WB cho rằng tốc độ tái cơ cấu chậm được cho là sẽ gây ra nhiều rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn.



Tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã có chút cải thiện, nhưng nhiều doanh nghiệp mới chỉ bán được một lượng cổ phần thiểu số nên tác động tới đầu tư và hiệu quả kinh doanh chưa được như mong muốn.



Môi trường Kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện thứ hạng, từ vị trí thứ 93 năm 2015 lên 90 năm 2016 (trong số 189 nền kinh tế), nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp dưới mức trung bình của nhóm ASEAN-4, trong đó nổi lên các vấn đề chậm hoàn thiện khung thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh. Các bất cập thể hiện qua những tiêu chí như thời gian nộp thuế, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, cấp điện và thủ tục giải quyết phá sản.



Rủi ro tiếp theo là việc trì hoãn thực hiện thắt chặt tài khoá cũng có thể tác động lên mức độ bền vững của nợ, nhất là các khoản nợ dự phòng liên quan tới ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.



Phân tích cho thấy chi ngân sách đã tăng nhanh hơn thu chủ yếu do tăng chi thường xuyên. Trong 9 tháng đầu năm, ngân sách đã thâm hụt khoảng 4,9% GDP. Con số này không tính các khoản đầu tư ngoài ngân sách, nghĩa là tổng thâm hụt ngân sách thực tế còn cao hơn.



Sau khi Quốc hội năm ngoái thông qua việc hạn chế phát hành trái phiếu dưới 5 năm, Kho bạc Nhà nước trong 9 tháng đầu năm chỉ phát hành được khoảng 51% kế hoạch năm. Để đáp ứng nhu cầu chi ngắn hạn, Bộ Tài chính đã phải vay NHNN 30 nghìn tỷ đồng.



Tuy tình hình tài khoá của Việt Nam bị biến động theo chu kỳ, nhưng mức độ thâm hụt lớn đã gây quan ngại về bền vững tài khoá trung hạn và nợ công. Theo Bộ Tài chính, tổng nợ công của Việt Nam đã tăng mạnh từ mức 51,7% năm 2010 lên khoảng 61,3% GDP năm 2015, trong đó nợ trực tiếp của chính phủ trung ương chiếm 48,9% GDP. Mức nợ công này đang tiến tới ngưỡng trần cho phép là 65% GDP. Trong khi đó, các nhà tài trợ đang dần rút khỏi Việt Nam làm cho nguồn vốn ưu đãi bên ngoài giảm theo, nên chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng.







WB đánh giá tình trạng mất cân đối tài khoá của Việt Nam đã tích tụ từ nhiều năm trước, nên cần phải giải quyết mới có thể đảm bảo tài chính công bền vững.



Thứ nữa, WB cho rằng cùng với tăng trưởng tín dụng, các rủi ro trong ngành ngân hàng, kể cả nguy cơ tăng trưởng nóng, cũng tăng theo, và nếu không được quản lý cẩn trọng sẽ dẫn đến một đợt bất ổn định mới.



Mặc dù không có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ nào, nhưng hoạt động tín dụng của Việt Nam đã phục hồi với mức tăng khoảng 12% từ đầu năm đến hết tháng 9/2015 –mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.



Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu còn nhiều thách thức. NHNN thông báo tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống đã giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ tín dụng, nhưng kết quả này có được phần nào là do các khoản nợ xấu đã được chuyển sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng như do tổng tín dụng tăng mạnh. Thực tế, quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang diễn ra chậm chạp, và cho đến nay chỉ có khoảng 7% tổng nợ xấu được xử lý.



Không chỉ trong nước, Việt Nam dự kiến cũng sẽ đối mặt với những rủi ro ở bên ngoài.



WB cho rằng tốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng chung của Việt Nam.



Ngân hàng này dự đoán tăng trưởng tại khu vực đồng Euro và Nhật Bản sẽ mạnh hơn đôi chút trong năm tới, còn các nước đang phát triển sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức do xuất khẩu nguyên liệu sẽ gặp khó khăn, dòng vốn dự kiến sẽ bị thắt chặt và thương mại chưa có nhiều cải thiện. Tăng trưởng của khu vực Đông Á–Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 6,8% năm 2014 xuống 6,5% năm 2015 và 6,3% năm 2016-2017.



Ngoài ra, lãi suất tại Mỹ dự kiến sẽ tăng lên cũng làm cho chênh lệch tỷ suất trái phiếu chính phủ tăng theo. Điều này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tài trợ cho các nhu cầu tài chính công của Việt Nam.



Trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, WB cho rằng Việt Nam cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai.



Tiếp tục củng cố tài khoá, đẩy nhanh cải cách cơ cấu, áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, và tăng cường dự trữ ngoại tệ được cho là sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi.



Đánh giá về cơ hội, Ngân hàng Thế giới cho rằng triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam sẽ khả quan. Việt Nam có thể sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2015 nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi do tiêu dùng cá nhân và đầu tư gia tăng. Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục tăng lên, với mức khoảng 6,6% trong năm tới.







Lạm phát được dự báo sẽ giữ ở mức thấp do giá năng lượng và thực phẩm thế giới thấp, nhưng có thể sẽ tăng trở lại trong trung hạn.



Trong khi đó, cán cân thương mại dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể trong năm nay do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu nhằm đáp ứng các nhu cầu của hoạt động kinh tế và đầu tư gia tăng trong nước. Tuy nhiên, lượng kiều hối ổn định sẽ giúp tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư tuy ở mức thấp hơn nhiều so với các năm trước.



Dòng vốn từ bên ngoài sẽ bổ sung thêm vào cán cân thanh toán do FDI tiếp tục gia tăng nhờ triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam. Thâm hụt tài khoá dự kiến vẫn cao trong năm nay, nhưng sẽ được điều chỉnh từ năm tới khi Việt Nam thực hiện các biện pháp thắt chặt nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng nợ công.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn