Với những lợi ích mà chính sách này mang lại, nhà điều hành sẽ có thể kiểm soát gián tiếp lãi suất thông qua những trụ cột trên thị trường.Song song với đó, chính sách mới cũng mang hàm ý kìm hãm rủi ro tăng lãi suất cũng như chuẩn bị cho chính sách điều hành lãi suất năm sau.



Cuối tuần trước, NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và có hiệu lực từ ngày 28/1/2016. Theo thông tư này, bắt đầu từ quý I năm sau, có hai nhóm đối tượng TCTD được áp dụng. Trong đó, đối với các nhóm TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được xem xét giảm về mức tối thiểu 0%. Đối với các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được chỉ định, NHNN sẽ xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo từng TCTD cụ thể.



Trong nhóm các NHTM có thể được áp dụng chính sách mới này, theo RongViet Research, ba ngân hàng gồm VCB, BID và CTG (có thể có thêm một vài ngân hàng TMCP niêm yết khác) nhiều khả năng sẽ được nằm trong nhóm được xem xét.





Nguồn: SBV,VDSC





Trong năm qua, nhóm này đã tham gia vào chiến lược nhằm hỗ trợ các ngân hàng nhỏ yếu kém, nổi bật là ba thương vụ giữa VCB – Saigonbank, CTG – PGBank và BIDV – MHB.



"Xét về vị thế, đây là ba ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thuộc nhóm tốp đầu trong hoạt động. Tổng giá trị huy động cũng như cho vay của nhóm này chiếm khoảng 30% tổng giá trị toàn hệ thống với mức tăng trưởng huy động và dư nợ bình quân đạt 16-17% trong 9 tháng đầu năm 2015", VDSC cho biết.



Thông tư mới được ban hành khẳng định cam kết trước đây của NHNN khi đề cập đến việc đưa ra cơ chế chính sách, đảm bảo để các ngân hàng lớn không bị thiệt hại khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.



Cụ thể, việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ mang lợi ích lớn cho nhóm ngân hàng này. Hiện tại, ba ngân hàng VCB, CTG và BID đang nằm trong nhóm có tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao với tỷ lệ đối với VND và USD lần lượt là 3% và 8% cho tiền gửi không kỳ hạn, dưới 12 tháng. Đối với tiền gửi trên 12 tháng, tỷ lệ này lần lượt là 1% và 6%.





Tăng trưởng huy động và tín dụng của nhóm 3 ngân hàng lớn trong 9 tháng đầu năm 2015. Nguồn: VDSC




Về mặt lý thuyết, hạ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với lợi suất tài sản sinh lãi của các ngân hàng này sẽ tăng lên khi nguồn vốn bị “đóng băng” lúc trước có cơ hội được tham gia vào thị trường thông qua kênh cho vay hoặc tạo thanh khoản. Thông qua chính sách mới này, mặt thanh khoản cũng như công tác cải tiến hiệu quả của các ngân hàng yếu kém mà nhóm này “giúp đỡ” sẽ được hỗ trợ thêm.



Mặt khác, nhìn rộng hơn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với việc thực thi một chính sách nới lỏng tiền tệ trong điều kiện lãi suất đang không có cửa giảm thêm. Hiện tại, VCB, CTG và BID là ba trụ cột chính và cũng là những người có cầm trịch quan trọng trong việc định hướng lãi suất trên thị trường.



Thời gian gần đây, khi các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa đều bắt đầu rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vào cuối năm, ba ngân hàng này vẫn chưa có động thái điều chỉnh. Do vậy, với những lợi ích mà chính sách này mang lại, nhà điều hành sẽ có thể kiểm soát gián tiếp lãi suất thông qua những trụ cột trên thị trường. Song song với đó, chính sách mới cũng mang hàm ý kìm hãm rủi ro tăng lãi suất cũng như chuẩn bị cho chính sách điều hành lãi suất năm sau.



Theo ước tính của RongViet Research, dựa trên số liệu cuối tháng 9/2015 của 3 ngân hàng trên, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 1% đối với nhóm này thì lượng tiền đi vào hoạt động tín dụng trong nền kinh tế có thể tăng thêm khoảng 0,2-0,3%. Đây đồng thời là một hàm ý đối với chính sách tiền tệ trong năm sau đối với mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng lưu ý là tỷ lệ cho vay/huy động của nhóm ngân hàng này hiện đang khá cao (bình quân khoảng 95,4%).



LINH LINH










Theo stockbiz.vn