Gần một tuần sau quyết định tăng lãi suất USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn giữ ổn định, lặng sóng, cung cầu đảm bảo đầy đủ. Điều lo ngại là sang năm 2016, khi FED phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 1% nữa thì liệu có thể “kìm cương” tỷ giá VND/USD?



Xét trên nhiều khía cạnh, việc FED tăng lãi suất USD để thúc đẩy nền kinh tế “đầu tàu” của thế giới tăng trưởng là điều đáng mừng sau 7 năm kiên trì vượt khủng hoảng. Với ảnh hưởng sâu rộng, mọi động thái điều hành của FED luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi sát, dự báo, đánh giá tác động để có chính sách tỷ giá phù hợp từng thời điểm.



“Kìm cương” tỷ giá



Năm 2015, tỷ giá VND/USD chịu nhiều áp lực từ trong nước và thị trường quốc tế với những diễn biến khó lường. Trong khi FED vẫn còn lấn cấn chưa tăng lãi suất USD thì Trung Quốc bất ngờ “phá giá” đồng Nhân dân tệ với mức giảm kỷ lục tới gần 4,6% khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo.



Trước diễn biến bất ngờ này, trong hai ngày (11 và 19/8), NHNN đã quyết định nới biên độ tỷ giá hai lần, tổng cộng 2% (từ +/-1% lên +/-3%), đồng thời, tăng tỷ giá ngoại tệ bình quân thêm 1%, áp dụng tỷ giá trần là 22.547 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.233 đồng/USD. Tỷ giá liên ngân hàng ở mức 21.890 đồng/USD.



Việc tăng tỷ giá 1% được dự phòng cho tình huống FED tăng lãi suất, song NHNN đành phải “nới” sớm hơn nhằm ổn định tỷ giá và chịu áp lực giữ ổn định thị trường ngoại hối cuối năm 2015 và năm 2016. Như vậy, đồng VND đã bị mất khoảng 5,07% so với tỷ giá trần USD đầu năm nay, còn tính theo tỷ giá giao dịch của Vietcombank, tiền đồng bị mất 4,88%.



Đến ngày 17/12, khi FED tăng lãi suất USD thêm 0,25%, lên mức 0,25-0,5%, NHNN ngay lập tức hạ lãi suất tiền gửi USD từ mức 0,25% xuống còn 0%, áp dụng với tất cả tổ chức, cá nhân.



Theo một số chuyên gia, việc hạ lãi suất tiền gửi USD là một biện pháp tình thế nhằm giảm bớt căng thẳng cho thị trường ngoại hối, ổn định tâm lý, giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ… Nếu năm 2016 có thêm những “sóng” tỷ giá lớn hơn thì NHNN sẽ không còn dư địa hạ lãi suất tiền gửi USD nữa.



Sang năm 2016, FED vẫn bỏ ngỏ khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất hơn 1,375% nên có khả năng xuất hiện thêm các “cơn sóng” trên thị trường ngoại hối của Việt Nam trước và sau mỗi lần điều chỉnh của FED.



Khi đó, trước áp lực thị trường căng thẳng về ngoại tệ, giá đẩy lên quá cao, NHNN sẽ phải xử lý tình huống bằng nhiều giải pháp như: bán ngoại tệ cho các ngân hàng để giảm bớt tình trạng khan hiếm, găm giữ tiền, hoặc điều chỉnh tăng tỷ giá, nới rộng biên độ giao dịch… để tỷ giá “dễ thở” hơn.



Sau các đợt điều chỉnh tỷ giá, nới biên độ trong năm 2015, có thể thấy đồng VND đang bị yếu đi khi mất khoảng gần 5% giá danh nghĩa và gần 3% giá thực tế so với đồng USD. Song tiền đồng vẫn lên giá khi so sánh với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.



Các chuyên gia cho rằng, khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách đồng nội tệ yếu để thúc đẩy tăng trưởng, nâng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư bằng chi phí rẻ, thì Việt Nam sẽ cần chính sách tỷ giá linh hoạt hơn trong năm tới, có thể “hạ giá” đồng VND ở mức độ nhẹ. Nhất là khi FED nâng lãi suất vào năm 2016 sẽ tác động đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ lớn…



Tiền đồng mất giá, ai lợi?



Có ba vấn đề cần quan tâm, tác động tới quyết định điều chỉnh tỷ giá. Thứ nhất, nền kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng tăng trưởng và lạm phát thấp, năm 2015, Việt Nam bị thâm hụt thương mại lớn… Nhưng nguồn dự trữ ngoại hối liên tục tăng thời gian qua, đạt tới 37 tỷ USD và tới cuối tháng 9/2015, giảm xuống còn hơn 30 tỷ USD. NHNN vẫn khẳng định đảm bảo cung cầu ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá thời điểm cuối năm nay và đầu năm sau.



Thứ hai, dòng vốn ngoại tệ (FDI, FII) vẫn chảy về Việt Nam với mức thặng dư cao và chưa bao giờ thâm hụt dòng vốn vào nước ta. Theo Bộ KH&ĐT, trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã giải ngân được 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tới 20,22 tỷ USD.



Thứ ba, mỗi năm, Việt Nam đón nhận lượng kiều hối rất lớn, ổn định ở mức khoảng 9-10 tỷ USD/năm. Năm 2015, dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% so với mức 12 tỷ USD của năm 2014.



Những nguồn ngoại tệ ổn định này giúp NHNN kiểm soát tỷ giá dễ dàng thông qua việc mua vào ngoại tệ thặng dư, bán ra ngoại tệ khi cần cân đối cung cầu thị trường trong nước.



Khi cán cân thương mại bị thâm hụt lớn, hoặc dự trữ ngoại hối giảm, hay sức ép từ các đồng tiền mạnh hơn, thì NHNN cũng khó “kìm cương” tỷ giá trong nước.



Tuy nhiên, khi tỷ giá VND/USD tăng, chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn thì doanh nghiệp sản xuất sẽ thiệt hại, ngược lại doanh nghiệp xuất khẩu có lợi hơn. Do đó, bài toán tỷ giá cần được tính toán cho những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp trong dài hạn.



Hải Hà










Theo stockbiz.vn