Bất chấp những biến động mạnh của chỉ số Vn-Index suốt 12 tháng qua, giá trị vốn hóa tại HOSE vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, chốt năm 2015 đạt trên một triệu tỷ đồng, tăng đều theo quý và theo năm.



Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa báo cáo diễn biến thị trường trong năm cũ và định hướng cho năm mới. Theo đó, năm 2015 chỉ số Vn-Index gặp phải nhiều lần trồi sụt, có lúc giảm hơn 20% nhưng chốt quý IV/2015 giá trị vốn hóa thị trường vẫn tăng trưởng tốt, vươn lên mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với quý đầu tiên của năm và tăng 16,4% so với năm 2014. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, giá trị vốn hóa thị trường duy trì ở mức cao và ổn định trên một triệu tỷ đồng suốt 4 quý liền.



Tổng khối lượng giao dịch tại HOSE cũng đã tăng tịnh tiến theo từng quý. Nếu quý I sàn mua bán 5.587 tỷ chứng khoán thì đến quý IV đã vươn lên 7.984 tỷ đơn vị, tăng 1,42 lần so với đầu năm. Giá trị giao dịch quý I chỉ đạt 97.000 tỷ đồng nhưng đến quý IV đã vọt lên 140.000 tỷ đồng.



Theo Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM, suốt năm qua, diễn biến thị trường chịu tác động khá lớn từ bất ổn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ và giá dầu sụt giảm sâu. Có nhiều giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài xả hàng mạnh nhưng nhìn chung giá trị giao dịch của khối ngoại trong cả năm khá cân bằng giữa hai chiều mua vào và bán ra, mức chênh lệch không đáng kể.



Phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch TP HCM, Lê Hải Trà cho biết thêm, năm 2015 có nhiều đoàn nhà đầu tư là các tổ chức quốc tế liên hệ và bày tỏ sự quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Cá biệt có các nhà đầu tư cá nhân đến từ Thái Lan, một đoàn khoảng 50 người đã tiếp cận để nắm thông tin về nhiều khía cạnh của nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán. "Nhìn chung các tổ chức và cá nhân nước ngoài đều đánh giá Việt Nam là thị trường không thể bỏ qua", ông Trà cho hay.



Lãnh đạo HOSE nhận định, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tuy đã có Nghị định 60 nhưng vẫn gặp phải không ít chướng ngại. Quan điểm của Sở là nên có hướng mở cho phép các tổ chức quốc tế được sở hữu cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết. Chẳng hạn như quỹ ETF chỉ lưu tâm đến quyền lợi kinh tế trực tiếp mà không quan tâm nhiều đến quyền biểu quyết đối với doanh nghiệp.



"Nhà đầu tư quốc tế từng có trải nghiệm về loại cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết tại các thị trường Malaysia, Thái Lan và Nhật Bản chắc chắn sẽ sốt ruột chờ đợi cơ chế này tại thị trường Việt Nam", ông nói.



Hà Thanh










Theo stockbiz.vn