Mỗi đôla Mỹ được các ngân hàng bán ra lúc 15h30 chiều nay dao động 22.540 đồng, tăng 20 đồng so với mở cửa và 30 đồng so với cuối ngày hôm qua.



Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đôla Mỹ, áp dụng cho ngày 7/1 là 21.919 đồng, tăng 12 đồng so với sáng qua. Ngay sau đó, giá USD tại các ngân hàng cũng tăng đồng loạt 10 đồng và tăng tiếp 20 đồng vào buổi chiều.



Theo đó, lúc 15h30 chiều nay, Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank nâng giá mua bán USD 20 đồng so với buổi sáng, lên 22.470-22.540 đồng. Mức giá này so với ngày 6/1 hiện đắt hơn 30 đồng. Thậm chí, Techcombank đưa giá bán cao hơn Vietcombank 5 đồng, lên sát 22.545 đồng. Các ngân hàng khác như BIDV, Vietinbank có giá tương tự.



Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.576 đồng và tỷ giá sàn là 22.261 đồng mỗi USD. Do đó, dù điều chỉnh tăng hàng chục đồng nhưng mức giá bán ra của các ngân hàng vẫn thấp hơn so với mức trần quy định 30-36 đồng.



Trong đợt điều chỉnh lần này, diễn biến mua bán đôla Mỹ chủ yếu sôi động trong các ngân hàng, còn ngoài thị trường tự do vẫn bình thường. Các điểm mua bán USD tại TP HCM giữ mức đầu ngày, quanh 22.570-22.630 đồng. Tại Hà Nội, mức công bố thấp hơn TP HCM 10 đồng, dao động quanh 22.560-22.620 đồng. Như vậy, so với ngân hàng, mỗi USD chỉ cao hơn tầm 80-90 đồng.



Chủ một điểm thu mua ngoại tệ trên đường Lê Lợi (quận 1, TP HCM) cho biết, giao dịch ngày hôm nay không có gì đột biến nên giá ít biến động. "Khách mua và bán ngang nhau với số lượng chỉ khoảng vài nghìn đôla Mỹ nên không có áp lực phải tăng giá", bà nói.



Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng mức điều chỉnh 10-30 đồng vẫn chưa có gì đột biến.



Tỷ giá ngân hàng tăng trở lại từ ngày hôm qua, sau khi đã có phiên sụt giảm mạnh 35-40 đồng trong ngày 5/1. Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới được công bố, Ngân hàng HSBC nhận định cùng với việc thâm hụt thương mại mở rộng, tiền đồng và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn. Cặp tỷ giá USD/VND đang được giao dịch ở ngưỡng cao của biên độ cho phép. Đồng nhân dân tệ ngày càng yếu đi đã làm tăng áp lực lên tiền đồng.



"Khi nguồn dự trữ ngày càng mỏng, tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý III/2015, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới", HSBC nhận định.



Lệ Chi










Theo stockbiz.vn