Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gia hạn cho các doanh nghiệp vay USD từ các ngân hàng thương mại đến hết quý I/2016, do vậy, sau thời gian này nhiều doanh nghiệp đang lo lắng không được vay USD tiếp.



Lãi suất USD đang rẻ




So với lãi suất cho vay của VND thì lãi suất cho vay USD đang rẻ hơn nhiều, chỉ khoảng 2-4%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay VND đang xoay quanh mức 7-10%/năm đối với doanh nghiệp.



Theo Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước về gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ ngắn hạn của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, quy định thời hạn doanh nghiệp được vay ngoại tệ tới ngày 31/3/2016.



Trước đó, Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã gia hạn về thời gian cho vay USD ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31/12/2015.



Ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc công ty Thủy sản Minh Hải cho biết, nếu các ngân hàng không cho vay USD tiếp tục nữa thì doanh nghiệp buộc phải vay VND. Vấn đề là doanh nghiệp xuất khẩu được vay USD lãi suất rẻ sẽ nhẹ nhàng hơn cho chi phí vốn vay của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm ra ngoại tệ nên được vay ngoại tệ để hưởng lãi suất rẻ.



Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cho biết, mặc dù tỷ giá có tăng thì hiện nay việc vay USD vẫn có lợi hơn nhiều so với VND. Vấn đề là đến hết tháng 3/2016, Ngân hàng Nhà nước có gia hạn kéo dài thời gian được vay USD theo Thông tư 24 hay không?



Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết có thể gửi đơn kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục được vay USD.



Không được vay USD, tỷ giá mới cũng như không?



Nhiều dự đoán tỷ giá năm 2016 có xu hướng chung là tăng. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể vẫn còn là một ẩn số khó đoán. Vì năm nay, tỷ giá chịu tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là sự điều hành xu hướng tăng lãi suất USD của Fed và sự biến động khó lường của đồng Nhân dân tệ (CNY).



Đối với khối doanh nghiệp xuất khẩu thì tỷ giá mới linh hoạt dự đoán theo xu hướng tăng là một tin mừng.



Ông Trần Thiện Hải cho rằng, vấn đề là tỷ giá phản ánh đúng giá trị của VND. Các nước xung quanh như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… đã giảm giá khá mạnh đồng nội tệ của họ. Điều này dẫn đến giá cả xuất khẩu của các mặt hàng tương đồng với Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều, sẽ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.



Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cũng cho rằng, vấn đề là khi USD mạnh lên thì các đồng tiền như EUR, JPY, GBP lại giảm giá khiến hàng hóa tính bằng USD sẽ đắt thêm thì giá thành sản phẩm của doanh nghiệp xuất đi phải cân đối lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang lo không được vay USD giá rẻ.



Theo ông Ngô Minh Hiền, Giám đốc CTCP Thủy sản Năm Căn, với tỷ giá mới công ty vẫn chưa thấy vấn đề gì rõ ràng. Công ty vẫn chưa tính toán đến vấn đề mua USD kỳ hạn vì hoạt động chủ yếu vay – trả bằng USD và có nguồn thu là USD. Nếu tỷ giá tăng thì số USD chênh lệch từ xuất khẩu khi quy đổi ra VND doanh nghiệp sẽ có lợi.



Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti) cho biết, đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc), Baht (Thái Lan) và các đồng tiền khác đang giảm giá mạnh. Do vậy, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc và Thái Lan... Doanh nghiệp không được vay USD giá rẻ mà phải chuyển sang vay VND lãi suất cao hơn cũng là một trở ngại.



Với doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ khi vay USD sẽ có nguồn USD để trả, thặng dư USD từ xuất khẩu bán lại cho ngân hàng làm lãi khi tỷ giá tăng.



Nếu không được vay USD thì buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi sang vay VND. Dù tỷ giá năm nay có tăng mạnh hơn năm 2015 thì cũng không bù lại được mức lãi suất vay VND, một chuyên gia ngân hàng nhận định.



HOÀNG ANH










Theo stockbiz.vn