Theo lịch sử tương quan giữa giá dầu và giá vàng, cũng như mức độ suy giảm của cả hai trong năm 2015, nhiều khả năng giá vàng sẽ còn giảm tiếp với mức độ mạnh hơn giá dầu cho đến khi cả hai cùng thiết lập lại mức độ quy đổi như các thời kỳ trước.



Giá vàng Kitco cuối năm 2015 đóng cửa ở mức 1.061 usd/oz, giảm khoảng 10% so với hồi đầu năm. Sự mạnh lên của đồng USD và những thông tin khởi sắc từ chỉ số việc làm tại Mỹ đươc cho là nguyên nhân chính đẩy giá vàng tiếp tục trong kênh giảm giá kể từ mức đỉnh năm 2011.



Cùng diễn biến với giá vàng quốc tế, tính từ đầu năm, giá vàng trong nước cũng ghi nhận mức giảm khá mạnh 6% từ mức 35 trđ/lượng về 33 trđ/lượng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi và giá vàng trong nước vẫn duy trì mức chênh lệch khá cao. So với giá vàng quy đổi, giá vàng quy trong nước đang cao hơn khoảng 3,1 triệu đồng/lượng, con số chênh lệch bình quân năm 2015 khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.



Năm 2015, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR tiếp tục giảm 66,6 tấn vàng từ mức 709 tấn hồi đầu năm xuống còn 642 tấn. Hoạt động nắm giữ vàng ở quốc gia có dự trữ lớn nhất là Mỹ không đổi ở mức 8.133,46 tấn trong quý thứ ba của năm 2015. Trong khi đó, Đức giảm nhẹ dự trữ xuống còn 3.380,98 tấn trong quý ba từ 3.381,01 tấn trong quý II năm 2015.







Tuy vậy, Trung Quốc và Nga vốn là hai quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế trầm trọng do giá dầu giảm và kinh tế đình trệ đang có xu thế tăng dự trữ. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, dự trữ vàng của Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 12 năm 2015, tăng lên 1.762,32 tấn từ 1743,40 tấn trong tháng 11 năm 2015. Ngoài Trung Quốc, Nga là quốc gia có dự trữ vàng tăng mạnh, lên 1.352,20 tấn trong quý ba của năm 2015 từ mức 1.275 tấn trong quý II/2015.



Bước sang năm 2016, trước đà tăng mạnh của đồng bạc xanh và chính sách tăng dần lãi suất của FED, đa phần các chuyên gia đều dự đoán với kịch bản xấu cho giá vàng.



Kết quả khảo sát giá vàng của Kitco với hầu hết cũng cho rằng giá vàng sẽ giảm, có ý kiến tin giá sẽ xuống dưới 1.000 USD một ounce trong nửa đầu năm 2016.



Ngân hàng Natixis (Pháp) đã đưa ra dự đoán, giá vàng trong năm 2016 bình quân đạt 990 USD/ounce, do Fed tăng lãi suất trở lại, đồng USD mạnh lên. Lãi suất của Mỹ có thể là yếu tố lớn nhất tác động đến giá vàng trong năm 2016.



Ngân hàng Citi Research thì dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016 do các nhà đầu tư có thể tiếp tục giảm đầu tư vào vàng và tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường chứng khoán và trái phiếu. Citi Research dự báo giá vàng xuống ngưỡng 995 USD/oz năm 2016 trước khi tăng trở lại mức 1.025 USD vào năm 2017 và 1.200 USD vào năm 2018.



Giá vàng theo mối tương quan với chỉ số sức mạnh đồng USD





Vàng đi theo dầu



Dự đoán giá vàng thế giới luôn luôn là vấn đề quan tâm của các Tổ chức và chuyên gia tài chính. Nguyên nhân tác động quan trọng nhất đến giá vàng thế giới chính là sức khoẻ nền kinh tế thế giới và giá trị của đồng USD. Một khi đồng USD tăng thì giá vàng thế giới sẽ giảm, mà chúng ta đang thấy xu thế này trong lịch sử.



Tuy nhiên, một phương pháp khác khá phổ biến là dựa vào mối tương quan giữa vàng với một hàng hoá quan trọng nào đó. Khi biết được xu thế của hàng hoá đó thì cũng suy ra xu thế giá vàng và có thể dùng để dự đoán giá vàng chính là giá dầu.



Theo số liệu của goldmoney.com, giá 1 thùng dầu từ 1945 – 2006, tính theo USD đã tăng 64 lần, nhưng nếu quy ra vàng thì giá thùng dầu ấy không thay đổi. Trong lịch sử, hai loại hàng hoá này đã có mối quan hệ thuận chiều, với tỷ lệ thay đổi không đáng kể từ năm 1980 – 2007. Từ năm 2008 – 2015, xu thế đồng biến vẫn là phổ biến, nhưng có những giai đoạn giá vàng và dầu đột biến khác nhau, trong đó năm 2008 giá dầu tăng vọt, hoặc năm 2010 – 2011 giá vàng tăng vọt. Năm 2012 – 2013, giá vàng và dầu lại xích gần nhau như các năm trước 2007. Sau đó từ T6.2014 giá dầu đã giảm mạnh, và tiếp tục giảm đến 35% trong năm 2015 trong khi giá vàng chỉ giảm 10%.



Giá vàng theo mối tương quan với giá dầu





Năm 2015, giá dầu thô thế giới đã giảm 35% từ mức 50 USD/thùng xuống còn 36,5 USD/thùng (31/12/2015). Sau giai đoạn phục hồi nhẹ ở đầu quý 2, từ cuối tháng 6 giá dầu suy giảm kéo dài cho tới hiện tại, với mức giao dịch dưới 40 USD/thùng.



Giới phân tích cho rằng nguồn cung quá lớn của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tạo ra tình trạng dư thừa chưa từng thấy. Chuyên gia của Goldman Sachs dự báo sản lượng dầu của OPEC năm 2016 sẽ vào khoảng 31,8 triệu thùng/ngày, sự cân bằng cung-cầu trong thị trường dầu toàn cầu sẽ không được khôi phục cho đến quí 4-2016 do lượng dầu dư thừa lớn, nguồn cung từ các nước không thuộc OPEC cũng nhiều.



Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể ở mức gần 40 đô la Mỹ/thùng, hoặc xấp xỉ giá giao dịch hiện nay. Goldman Sachs cũng dự báo về một kịch bản tồi tệ nhất là giá dầu có thể giảm xuống mức 20 Goldman Sachs/thùng.



Các nhà phân tích của Morgan Stanley thì đánh giá “giá dầu có thể giảm từ 10-25% nếu đồng USD tăng giá 5%, sự dư thừa nguồn cung toàn cầu đã khiến giá dầu giảm dưới 60 USD/thùng, nhưng khoảng cách giữa mức giá 35 USD/thùng và 55 USD/thùng dầu chủ yếu được quyết định bởi tỷ giá đồng USD”





Giá dầu theo mối tương quan với chỉ số đô la Mỹ





Theo chuyên gia Michael McCarthy của CMC Sydney, khả năng giá dầu tăng trở lại không cao trừ khi tình trạng dư cung có biến chuyển. Chuyên gia này đánh giá “Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 12 năm qua khiến sự phục hồi kinh tế và quỹ dự trữ của Nga gặp nguy hiểm. Khoảng 50% nguồn thu ngân sách và 40% xuất khẩu của Nga phụ thuộc vào năng lượng. Ngoài giá dầu, Nga cũng đang đối mặt với cuộc bầu cử năm 2018 và các vấn đề khác. Nếu giá dầu ở mức 30 đô la Mỹ/thùng hoặc thấp hơn, trường hợp xấu nhất có thể xuất hiện là ngân khố của Nga sẽ trống rỗng chỉ trong hơn 1 năm, nguồn thu từ dầu mỏ dồi dào trong 10 năm qua sẽ cạn kiệt”.



Đây là một yếu tố khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại NHTW nước này sẽ chuyển sang bán vàng để bù đắp ngân sách thay vì liên tục mua vào dự trữ suốt thời gian trước đó trong trường hợp giá dầu không phục hồi trong năm nay



Như vậy, tổng hợp các dự báo về xu thế kinh tế thế giới và sức khoẻ đồng USD thì giá vàng và dầu nhiều khả năng khó phục hồi đến cuối năm 2016. Tuy nhiên nếu nhìn theo lịch sử tương quan giữa giá dầu và giá vàng, cũng như mức độ suy giảm của cả hai trong năm 2015, thì nhiều khả năng giá vàng sẽ còn giảm tiếp với mức độ mạnh hơn giá dầu cho đến khi cả hai cùng thiết lập lại mức độ quy đổi như các thời kỳ trước.



Điều đó có nghĩa là nếu giá dầu thế giới dao động trong khoản 40 USD/thùng trong năm 2016, thì giá vàng thế giới sẽ giảm về quanh mức 900 – 1000 USD/oz. Riêng đối với thị trường vàng trong nước, một chuyên gia dự đoán giá vàng trong năm 2016 sẽ khó giảm mạnh và có thể sẽ có những thời điểm “hơi ngược” với giá vàng thế giới.



Huy Nguyên










Theo stockbiz.vn