Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã công bố Báo cáo triển vọng 2016.



Yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán trong năm 2016




Diễn biến mặt bằng lãi suất trong năm 2016. Tính toán tác động của lãi suất cho vay đến hệ số E/P của chỉ số VN-Index từ giai đoạn đầu năm 2008 đến giữa năm 2014 BVSC đưa ra 2 kết luận sau: chỉ số VN-Index thường phản ứng trễ 3 tháng sau khi có biến động về mặt bằng lãi suất; cứ mỗi 1% thay đổi ở mặt bằng lãi suất cho vay hệ số E/P của VN-Index biến động cùng chiều với độ lớn 0,369% (với giả định chỉ số VN-Index không chịu tác động bởi các yếu tố đột biến khác). Ví dụ ở thời điểm cuối năm 2015 chỉ số VN-Index đạt mức 579 điểm tương đương P/E=11.31 hay E/P=0.0884. Nếu lãi suất cho vay tăng 1%, chỉ số E/P mới sẽ là 0.09211 tương đương chỉ số VN-Index đạt 556 điểm (giả định EPS không đổi), mức giảm 23 điểm sau 3 tháng.



Tác động từ tỷ giá đến TTCK. Với cơ chế điều hành tỷ giá mới áp dụng tỷ giá trung tâm biến động theo ngày, tác động của biến động tỷ giá tới diễn biến TTCK trong năm 2016 sẽ khó đoán định hơn. Trong quá khứ, mỗi khi NHNN mạnh tay điều chỉnh tỷ giá, tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại và thị trường phục hồi tương đối tốt. Nhưng nếu cơ chế điều hành mới vẫn chịu quá nhiều sự can thiệp của NHNN khiến tỷ giá không phản ánh sát cung cầu thuần túy của thị trường và đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư thì diễn biến của TTCK sẽ chịu tác động bất lợi như đã xảy ra trong giai đoạn cuối 2015.



Tác động tiêu cực từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Rủi ro xuất phát từ tăng trưởng Trung Quốc có thể khiến khẩu vị đầu tư của khối ngoại thay đổi với xu hướng đầu tư vào vàng và trái phiếu, vốn mang tính phòng thủ trong các giai đoạn bất ổn. Cùng với đó là tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, có thể khiến TTCK Việt Nam trải qua các giai đoạn điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn.



Tác động từ biến động của giá dầu thế giới. Mặc dù vốn hóa của ngành dầu khí sau đợt giảm điểm kéo dài hơn 1 năm qua đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên hiện vẫn đang chiếm gần 9,6% vốn hóa toàn thị trường (theo phân ngành ICB), điều này cho thấy diễn biến tăng giảm của cổ phiếu ngành này vẫn còn ảnh hưởng khá mạnh đến 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index. Nhìn chung, không đơn thuần là quan hệ cung cầu thị trường, diễn biến giá dầu thô trong năm 2016 chịu tác động bởi nhiều yếu tố khiến việc dự đoán trở nên khó khăn.



Bên cạnh đó, kỳ vọng từ các chính sách của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của TTCK. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa trồng trọt và khai thác. Trong quá khứ cho thấy những thời điểm hiện tượng El Nino đạt cực đại, giá cả các loại hàng hóa này trên thế giới thường có xu hướng hồi phục sau đó. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi nếu vẫn duy trì được sản lượng.



Điểm cân bằng của VN-Index trong năm 2016 đạt 590-610 điểm



Chỉ số P/E của VN-Index vào thời điểm cuối 2016 được dự báo sẽ đạt mức 12.2 lần trong KB trung bình. Dự báo này dựa vào kết quả từ mô hình kinh tế lượng phân tích E/P của chỉ số VN-Index dựa theo mối liên hệ với các biến số vĩ mô của Việt Nam trong quá khứ như mặt bằng lãi suất, tăng trưởng GDP, biến động tỷ giá... Tuy nhiên mô hình này chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố rủi ro ngoại biên (đã gây ra tác động khá mạnh đến TTCK Việt Nam trong năm 2015), nên kết quả dự báo tiếp tục được điều chỉnh định tính để sát với thực tế hơn. Từ phương pháp này BVSC xác định điểm cân bằng của VN-Index trong năm 2016 đạt 590-610 điểm.



Về mặt định tính, kết quả trên tương đối phù hợp với diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với định hướng thúc đẩy sự phát triển TTCK của chính phủ. Tuy nhiên, mức tăng khó có thể có nhiều đột biến (tăng 3% đến 5% so với mức bình quân 580 điểm trong năm 2015) do vẫn tồn tại những yếu tố rủi ro tác động đến thị trường như diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất, biến động tỷ giá, sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, và những rủi ro về mặt địa chính trị.



Tóm lại, năm 2016, BVSC dự đoán thị trường được dự đoán có xu hướng tăng điểm nhẹ với động lực đến từ đà tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng như những chính sách có tính chất thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những yếu tố rủi ro tác động đến thị trường như diễn biến tăng của lãi suất, biến động tỷ giá, suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc... khiến đà tăng của thị trường khó có thể đột biến.



BVSC cho rằng các nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2016 gồm có chứng khoán, công nghệ thông tin, cảng biển, khu công nghiệp, điện, vật liệu xây dựng và mía đường do hưởng lợi từ chính sách và định hướng phát triển của Chính phủ, tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết, diễn biến hồi phục của nền kinh tế cùng với niềm tin người tiêu dùng được cải thiện.











Bình An










Theo stockbiz.vn