BVSC dự báo trong năm 2016, lạm phát kỳ vọng có thể lên mức 6 - 7%, tỷ giá USD/VND sẽ tăng 3 - 4% và lãi suất sẽ tăng khoảng 0,6 – 1%...



BVSC vừa công bố “Báo cáo năm 2015 và triển vọng năm 2016” với kịch bản lạm phát năm 2016 có thể sẽ cao hơn năm 2015 do một số rủi ro tiềm ẩn như Elnino đạt đỉnh điểm, độ trễ của việc nới lỏng tăng trưởng tín dụng và sức mua của người tiêu dùng tăng.



Theo đó, nếu kinh tế vĩ mô tích cực lạm phát năm 2016 sẽ ở mức 1 - 2%, còn nếu kịch bản bình thường thì khoảng 3 - 5%. Trong trường hợp kịch bản tiêu cực xảy ra, lạm phát kỳ vọng có thể lên mức 6 - 7%.





Nguồn: GSO, BVSC



“Tuy nhiên, về cơ bản, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định, khó có mức tăng quá đột biến”, BVSC nhận định.



Lạm phát khó ở mức thấp



Dù vậy, BVSC nhận định diễn biến lạm phát năm 2016 sẽ khó duy trì ở mức thấp như trong hai năm vừa qua và cần được theo dõi sát do có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn.



“Mặt bằng so sánh giá cả năm 2015 ở mức rất thấp trong lịch sử sau một nhịp giảm sâu, do đó trong năm 2016 giá cả hàng hóa chỉ cần tăng nhẹ trở lại cũng có thể khiến CPI tăng đáng kể”, BVSC phân tích.





Nguồn: NHNN, GSO



Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ được hơn 1 năm qua, qua đó tạo ra mặt bằng lãi suất tiền gửi khá thấp (thấp nhất trong 10 năm trở lại đây).



“Ảnh hưởng có độ trễ của chính sách nới lỏng cung tiền, mặc dù không quá lớn như trong các giai đoạn trước năm 2011 nhưng cũng có thể góp phần làm cho lạm phát 2016 tăng trở lại so với năm 2015”, BVSC phân tích.



Tăng trưởng GDP tiếp tục được cải thiện giúp cho thu nhập của hộ gia đình tăng lên, tác động tới kênh truyền dẫn là cầu tiêu dùng tăng và góp phần làm giá cả hàng hóa tăng trở lại.



“Dựa trên những phân tích định tính này và kết hợp với kết quả của mô hình định lượng dựa trên một số yếu tố dự báo về giá cả hàng hóa thế giới (theo IMF) và tăng trưởng cung tiền 18-20% cho năm sau, chúng tôi dự đoán mức tăng chỉ số CPI của năm 2015 sẽ dao động từ 3-5%”, BVSC dự đoán.



Dù vậy, BVSC vẫn đánh giá năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc hơn so với năm 2015 ở khía cạnh tăng trưởng GDP. Tăng trưởng nhiều khả năng sẽ đạt từ 6,5 – 6,7% với những hỗ trợ chính đến từ hoạt động tiêu dùng của hộ gia đình gia tăng, đầu tư tư nhân mở rộng, xuất khẩu có nhiều cơ hội tăng trưởng. Dự báo này được BVSC dựa trên 3 động lực chính của nền kinh tế.



Động lực thứ nhất cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm 2016 mà còn trong cả giai đoạn 3-5 năm tới là lộ trình hội nhập của các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết. Điển hình là AEC, ASEAN + 6, VEFTA, VKFTA và đặc biệt là TPP.



“Cơ hội sẽ mở ra cho tất cả các thành phần của nền kinh tế nói chung nhưng vai trò đầu tàu vẫn sẽ thuộc về các doanh nghiệp FDI, với làn sóng chuyển dịch đầu tư, cơ sở sản xuất để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại và những lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam”, BVSC nhận định.



Động lực thứ hai là tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Với những tín hiệu khởi sắc của tăng trưởng GDP các năm qua, thu nhập hộ gia đình cũng tăng lên và hỗ trợ cho cầu tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, diễn biến bình ổn của nền kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý sẽ kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân.



Động lực thứ ba đến từ kết quả bước đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, với trọng tâm là cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước, và cải cái đầu tư công.



Bên cạnh đó là những đổi mới trong cơ chế điều hành lãi suất và tỷ giá mang tính thị trường cao hơn, giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.



“Theo kết quả của mô hình định lượng, đã bao hàm việc điều chỉnh rủi ro suy giảm của các yếu tố đột biến trong năm 2015, chúng tôi dự báo trong kịch bản trung bình, GDP 2016 của Việt Nam sẽ tăng 6,5-6,7%”, BVSC dự báo.



Tỷ giá sẽ tăng 3- 4%, lãi suất cho vay tăng 0,6 - 1%



Về tỷ giá, BVSC dự báo ở kịch bản cơ sở tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tăng 3-4% trong năm 2016. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt thặng dư khoảng 5 tỷ USD, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1%, và thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, chẳng hạn đến từ Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY).





Nguồn: Bloomberg, BVSC



“Thị trường ngoại hối được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do sức ép giảm giá VND đến từ nhiều phía, đặc biệt là các yếu tố khách quan khó lường như việc FED tiếp tục lộ trình tăng lãi suất đồng USD và các động thái của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/NDT. Trong kịch bản cơ sở, VND được dự báo sẽ mất giá thêm 34% so với USD trong năm 2016”, BVSC dự báo.



Theo BVSC, thách thức điều hành tỷ giá trong năm 2016 là rất lớn khi Fed đã chính thức nâng lãi suất trong ngày 16/12/2015, kết thúc giai đoạn 7 năm lãi suất được duy trì ở mức gần 0%. NHNN sẽ rất khó có thể tiếp tục đưa ra được một cam kết cứng nhắc đối với tỷ giá.



Bởi vậy, ngày 4/1 vừa qua, NHNN đã chính thức công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới theo đó tỷ giá trung tâm USD/VND sẽ được công bố hàng ngày. Điều này cũng gắn chặt với cam kết chống đô la hóa khi NHNN chính thức loại bỏ USD trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và tổ chức, cá nhân.



Như vậy, tỷ giá linh hoạt sẽ là cơ sở quan trọng để NHNN có thể thực hiện cam kết chống đô la hóa trên thực tế, khi giao dịch với USD trong nền kinh tế được chuyển từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua bán trên thị trường ngoại hối.



Thông tư số 15/2015/TT-NHNN về hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối là cơ sở quan trọng cho thị trường ngoại hối phái sinh.



Thị trường ngoại hối phái sinh nên được vận hành tốt sẽ là cơ sở quan trọng cho việc định hình kỳ vọng hợp lý trên thị trường. Ví dụ, nếu tỷ giá giao sau 6 tháng cao hơn 3% thì thị trường sẽ có kỳ vọng mất giá VND 3% trong vòng 3 tháng. Như vậy, kỳ vọng đã được trói buộc vào các giao kèo thực tế trên thị trường, chứ không phải là các hoạt động đầu cơ như trước đây.



Về mặt bằng lãi suất, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ có mức tăng khoảng 0,6-1% trong năm 2016 do tăng trưởng tín dụng được nới rộng hơn, lạm phát dự kiến cao hơn và mục tiêu duy trì sức hấp dẫn tương đối của VND so với USD.





Nguồn: Bloomberg, BVSC



Có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất trong năm. Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016, năm mở đầu của kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2016-2020.



Thứ hai, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5-7% cho giai đoạn 2016-2020, và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.



Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc FED dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.



TRẦN GIANG










Theo stockbiz.vn