Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch ngày 22/1/2016.



Chịu tác động mạnh của diễn biến TTCK toàn cầu



(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)



Trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam chịu tác động mạnh của diễn biến TTCK toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Nhà đầu tư chỉ nên giải ngân lại cho danh mục ngắn hạn nếu TTCK của 2 quốc gia này chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Đối với danh mục trung, dài hạn, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân đối với cổ phiếu cơ bản tốt đang ở vùng giá thấp tương đối.



Lực cầu vẫn chưa sẵn sàng



(Công Ty Chứng Khoán Đầu Tư Việt Nam - IVS)



Mức giảm hôm nay lớn hơn phiên trước đó cho thấy nhiều khả năng lực cầu vẫn chưa sẵn sàng ở mức giá hiện tại và điều này sẽ sớm được kiểm chứng nếu như lực cầu xuất hiện trở lại ở mức 518 điểm trong phiên tới. Theo đó, khu vực này sẽ đóng vai trò như một khu vực hỗ trợ quan trọng trước rủi ro một lực cung đã về tài khoản trong những phiên sắp tới. IVS cho rằng mức hỗ trợ này cũng là điểm dừng lỗ cho nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn hiện nay.



Hiện các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục đi vào vùng quá bán, khả năng có những phiên hồi kỹ thuật vẫn có thể xảy ra, khu vực 518 -520 điểm vẫn đang đóng vai trò là vùng hỗ trợ cho chỉ số, sự hỗ trợ này cần được kiểm định thêm trong các phiên tiếp theo. Trong khi điểm mua an toàn chưa xác định thì nhà đầu tư chưa nên mở trạng thái mua mới, trong trường hợp thị trường tiếp tục chờ đợi thông tin tích cực thì nhà đầu tư có thể xem xét ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của thị trường ở mốc 511 điểm xác lập ngày 25/8/2015.



Vẫn còn dư địa điều chỉnh thêm



(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội - SHS)



Hòa chung vào xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới, chỉ số VN-Index của Việt Nam tiếp tục mất 1,43%, lùi sát về mốc hỗ trợ 520 điểm với tâm điểm của lực bán về cuối phiên tập trung chủ yếu vào nhóm các mã lớn thuộc các ngành dầu khí và ngân hàng. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước cho thấy lực cầu bắt đáy tiếp tục cải thiện nhưng cũng cho thấy áp lực bán vẫn đang diễn ra rất mạnh khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh sâu.



Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong xu thế giảm điểm chung của toàn cầu. VN-Index đã giảm hơn 11% tính từ đầu năm tới nay và vẫn đang trong trạng thái dò đáy. Trong bối cảnh thị trường vẫn còn dư địa điều chỉnh thêm do những diễn biến tiêu cực của thị trường tài chính thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt, việc bảo toàn danh mục là ưu tiên hàng đầu tại thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát, tránh hành động bắt đáy khi tín hiệu hồi phục vẫn chưa xuất hiện rõ ràng.



Xung lượng của một xu hướng giảm giá đang rất mạnh



(Công ty chứng khoán FPT - FPTS)



Tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục tăng cao sau những tín hiệu bán của các phiên gần đây, điều này gây ra hạn chế đối với khả năng chỉ số sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ quan trọng tại 500 - 520 điểm trong các phiên kế tiếp. Sự cộng hưởng giữa thông tin tiêu cực từ bên ngoài thị trường và tâm lý yếu kém của các nhà đầu tư trong thị trường có thể dẫn đến những kịch bản xu hướng khá bi quan trong trung dài hạn.



Với với xung lượng của một xu hướng giảm giá đang rất mạnh thì FPTS cho rằng các vị thế ngắn hạn sẽ gặp bất lợi nếu cố gắng dự đoán mức đáy của thị trường. Theo đó, các nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật sẽ tạo ra các bẫy tăng giá nguy hiểm đối với các hoạt động mua bắt đáy theo cảm tính. Bối cảnh hiện nay chỉ phù hợp cho các hoạt động cơ cấu lại danh mục khi có thể tận dụng các nhịp hồi để đưa tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu về mức an toàn.










CTCK

Tích cực

Trung lập

Tiêu cực



BVSC



X





IVS





X



SHS





X



FPTS





X








Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.



Bình Minh










Theo stockbiz.vn