Citigroup đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái với việc các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm các chính sách kích thích kinh tế và tăng trưởng suy yếu do sự giảm tốc của Trung Quốc.



gày 21/1, ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 2,8% xuống 2,7%. Bên cạnh đó, Citigroup cũng giảm triển vọng kinh tế của Mỹ, Anh, Canada, cùng với các thị trường mới nổi bao gồm Nga, Nam Phi, Brazail và Mexico.



Mặc dù giữ mức dự báo tăng trưởng 6,3% của Trung Quốc năm 2016 nhưng giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2017 từ 6,2% xuống 6,0%.



Trong cuộc trao đổi với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ, nhà kinh tế trưởng Willem Buiter của Citigroup cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong nhiều năm qua và sẽ tiếp đà giảm tốc này. Các số liệu kinh tế được chính phủ công bố đã phóng đại tốc độ tăng trưởng thực tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông dự báo rằng tốc độ tăng trưởng năm 2016 của Trung Quốc sẽ giảm 1-1,5% so với năm 2015.



Ông cho rằng sẽ không có một cuộc suy thoái toàn diện, mà chỉ là một cuộc suy thoái tăng trưởng. Đó là tin xấu bởi điều này có nghĩa giá hàng hóa sẽ chịu thêm áp lực giảm và nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục yếu đi ở các quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng cho Trung Quốc, gián tiếp ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới. Các nhà chức trách Trung Quốc có thể tránh được hệ quả này bằng các chính sách đúng đắn nhưng họ chưa sẵn sàng cho việc đó.



Theo báo cáo công bố hôm 21/1 của Citi, ở mức tỷ giá hối đoái hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt khoảng 2,3% trong quý IV/2015 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP này chỉ đạt 2% nếu các số liệu kinh tế của Trung Quốc không bị phóng đại lên để có mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2015.



Ngân hàng của Mỹ cho rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng nhẹ trong những quý tới bởi sự sụt giảm của giá dầu đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển.



Citigroup mạnh tay hạ dự báo của Nga và Nam Phi. Nền kinh tế của Nga được dự báo giảm 0,5% trong năm 2016 do phải vật lộn với giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt quốc tế, trong khi Nam Phi chỉ được dự báo tăng trưởng 0,3%.



Các nhà kinh tế thuộc nhóm của ông Willem Buiter cho biết triển vọng toàn cầu đang trong thời điểm dễ bị tổn thương. Những năm qua đã chứng kiến một sự mất cân bằng lập đi lập lại về tăng trưởng toàn cầu và chỉ được bù đắp bằng các chính sách kích thích tiền tệ. Và sự cân bằng này lại đang bị đe dọa.



Thạch Thảo










Theo stockbiz.vn