Xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có thể tăng mạnh, theo BSC.



Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) vừa tổ chức hội thảo triển vọng thị trường chứng khoán 2016. Theo đó, ngành ngân hàng được công ty này hạ mức dự báo từ ngành có triển vọng khả quan xuống mức trung lập do dự báo mức trích lập dự phòng tăng cao, rủi ro nợ xấu.



BSC nhận định, hoạt động của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2016, dựa trên nền tảng tăng trưởng kinh tế khả quan, hoạt động của các ngân hàng lành mạnh hơn. Những thành tích tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được trong năm 2015 sẽ là nền tảng và động lực để toàn ngành tiếp tục cải cách sâu, rộng hơn cả về chất và lượng, tiếp tục ổn định và lành mạnh hóa hệ thống. Tăng trưởng tín dụng năm 2016 dự báo đạt trên 18%.



Vấn đề quan trọng hàng đầu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là xử lý nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu trong Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức tín dụng (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu trong các tổ chức tín dụng đã về mức mục tiêu, dưới 3%, tuy nhiên, một lượng lớn nợ xấu đang được gom lại tại VAMC.



Năm 2016, bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VAMC và các ngân hàng thương mại cần tập trung xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thông qua thanh lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu, mua nợ xấu theo giá trị thị trường và giảm dần mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt... Hoạt động này, nếu có kết quả tốt, sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng và giảm nguy cơ nợ xấu quay trở lại hệ thống ngân hàng Việt Nam", BSC cho hay.



Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của BSC nhận định chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng cao trong năm nay.



Thứ nhất, dự phòng rủi ro đối với trái phiếu VAMC cao và tăng mạnh. Với tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt đã phát hành là 202.274 tỷ đồng (tăng 94.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014), chi phí trích lập dự phòng dự kiến sẽ tăng cao. Theo quy định hiện tại, các tổ chức tín dụng thông thường phải trích lập dự phòng trong vòng 5 năm và trích lập tối đa 10 năm đối với khoản nợ đang thực hiện tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính.



Thứ hai, việc phân loại nợ chặt chẽ hơn theo Thông tư 02 và Thông tư 09 làm bộc lộ nhiều khoản nợ có rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại, làm tăng chi phí dự phòng rủi ro.



Với Ngân hàng MBBank, BSC cho rằng nhà băng này có danh mục tín dụng thận trọng, chất lượng tài sản tốt và hiện là một trong những ngân hàng có khả năng sinh lời cao nhất. Dự báo chi phí trích lập dự phòng của nhà băng này khoảng 2.581 tỷ đồng vào năm 2016, lợi nhuận sau thuế 2016 đạt 3.093 tỷ đồng.



Năm 2016, Vietcombank dự kiến phát hành khoảng 10% cho cổ đông tài chính giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu thấp, nợ tự xử lý cao nhất toàn ngành và trích lập dự phòng rủi ro cao. Chi phí trích lập dự phòng của VCB ước tính khoảng 5.528 tỷ đồng trong năm 2016. Lợi nhuận sau thuế ước tính năm 2016 đạt 5.867 tỷ đồng.



Với Ngân hàng Á Châu, BSC nhận định ngân hàng này sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho khoản tiền 772 tỷ đồng tại GPBank, 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây Dựng, 314 tỷ đồng tại Vinashin, 396 tỷ đồng cho trái phiếu đặc biệt. Ngoài ra ngân hàng này sẽ phải trích lập dư nợ tín dụng tại nhóm 6 công ty thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Kiên (thuộc nợ nhóm 2, trị giá 5.851 tỷ đồng và đã trích lập 538 tỷ đồng).



Với BIDV, BSC cho biết đây là ngân hàng dẫn đầu về quy mô tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2015, tăng trưởng tín dụng 26,4%, đạt 620.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.036 tỷ đồng. Năm 2016, BIDV dự kiến phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này có thể tăng mạnh trong năm 2016. Tổng nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2015 ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng, nâng tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt lên 28.000 tỷ đồng, làm tăng hơn 5.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro. Thêm vào đó, BIDV có thể phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng đối với khoản vay nhằm tăng tỷ lệ bao nợ xấu, tiệm cận dần với các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.



Ông Trần Thăng Long còn lưu ý, nhiều ngân hàng có lộ trình tăng vốn chủ sở hữu trong năm nay. BIDV, Vietcombank và MBBank đều đã lên kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược, tăng vốn chủ sở hữu trong năm tới. OCB, VPbank và BacABank đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ.



Thông tư 36 siết chặt sở hữu chéo buộc các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các ngân hàng khác hoặc xử lý sở hữu chéo thông qua M&A. Áp lực thoái vốn có thể tác động lên các ngân hàng Sacombank, Eximbank, MBBank.



Từ những dữ liệu trên, ông Long nhận định: "So với mức định giá trung bình của các ngân hàng ở thị trường mới nổi khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ở thị trường Trung Quốc, mức định giá của một số ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, Ngân hàng Á Châu, BIDV, Vietinbank hiện đang ở mức tương đối cao. Dù kết quả kinh doanh của các ngân hàng được dự báo lạc quan trong năm tới, chúng tôi không cho rằng dòng cổ phiếu ngân hàng sẽ duy trì được vị thế dẫn dắt và tác động mạnh đến thị trường như năm 2015".



Bạch Dương










Theo stockbiz.vn