Việc thâm nhập thị trường EU từ FTAViệt Nam – EU và thị trường các quốc gia trong TPP đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ về “gỗ hợp pháp”. Để đạt mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản khoảng 7,1 tỷ USDtrong năm 2016 cũng không phải chuyện đơn giản.



Việt Nam và EU đã hoàn tất phiên đàm phán lần thứ 5 Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) ngày 22/1 vừa qua. Trong đó, vấn đề phức tạp và khó nhất là quản lý gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, VPA/FLEGT sẽ đảm bảo rằng tất cả gỗ, sản phẩm gỗ chế biến và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được cung cấp và sản xuất hợp pháp.



Lo chứng minh xuất xứ



Việc đàm phán VPA/FLEGT được cho là nhằm đảm bảo tính bền vững của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam, giúp thuận lợi trong tiếp cận thị trường EU và các thị trường khác. Hơn nữa, nó sẽ giúp tăng cường bảo vệ rừng tại Việt Nam, việc xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ thể hiện như một đối tác có trách nhiệm.



Trên thực tế, riêng FTA Việt Nam – EU có chương xuất xứ, trong đó quy định tất cả các loại gỗ phải có đầy đủ hồ sơ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…Theo nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ, quy định cụ thể ra sao thì họ vẫn chưa nắm hết.



Trong TPP có quy định nguồn nguyên liệu phải được nhập khẩu từ 12 nước thành viên. Thế nhưng với ngành gỗ thì các thị trường nhập khẩu phần lớn không nằm trong nhóm 12 nước TPP. Đây là điều vô cùng khó khăn cho ngành gỗ.



Theo nhận định của Hội Mỹ nghệ Chế biến gỗ Tp.HCM, đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ, lợi ích về mặt thuế quan không nhiều, vì đồ gỗ Việt Nam đang xuất sang các quốc gia TPP với mức thuế 0% – 3%.



Trong khi đó, nguyên liệu nhập từ các nước này chịu mức thuế từ 0% đến 4,04% nhờ Quy chế “tối huệ quốc (MFN)”. Ngoại trừ hai nước Peru 15% và Mexico 16,3% đối với đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam do chưa có quy chế MFN.



Hội Mỹ nghệ Chế biến gỗ Tp.HCM cho biết, cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ thành phố năm 2015 có 321 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu đến 26 thị trường, đạt kim ngạch khoảng 850.000 USD và năm 2016 dự kiến sẽ cán mức 1 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ sử dụng gỗ rừng trồng nội địa là 43,9%, gỗ nhập khẩu 56,1%. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng thừa nhận nguồn nguyên liệu là một trong ba “nút thắt” của xuất khẩu gỗ trong năm 2016. Các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp, trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể.



Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các DN ngành gỗ vẫn còn mù mờ trước các thông tin về FTA, TPP, AEC… Những điều này có thể khiến ngành gỗ năm 2016 chỉ tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2015.



Băn khoăn “gỗ hợp pháp”



Theo bà Astrid Schomaket, Vụ trưởng Vụ chiến lược Tổng cục môi trường (EU), Trưởng đoàn đàm phán cấp cao lần thứ 5 của EU, cấu phần về gỗ nhập khẩu vào Việt Nam sau đó lại xuất khẩu sang EU tiềm năng rất lớn, nhưng ngược lại, tiềm năng này phải được thực hiện trong khuôn khổ đảm bảo được nguồn gốc gỗ hợp pháp, nhất là trong bối cảnh nguồn gốc gỗ hợp pháp rất phức tạp, nhập khẩu có thể từ nhiều nguồn, nguồn cung có thể liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau.



Trên thực tế, như nhận định của Hội Mỹ nghệ Chế biến gỗ Tp.HCM, những năm qua, ngành chế biến gỗ đã tạo động lực cho kinh tế rừng phát triển.



Theo đó, Việt Nam đang có vai trò là nhà máy sản xuất đồ gỗ từ nguồn gỗ hợp pháp, là ngành có tiềm năng và cơ hội phát triển, có lợi thế về sản xuất: Nguyên liệu, con người, có khả năng hiện đại hoá cao và có sức lan toả rộng.



Hiện nay, khai thác rừng trồng khoảng 16 triệu m3/năm thì hàng chục triệu m3 được băm dăm để bán trong khi nhu cầu gỗ hợp pháp từ rừng trồng ngày một cao. Nguyên nhân là do chưa có các nhà máy chế biến trung gian tại các trung tâm trồng rừng.



Các chuyên gia xuất gỗ cho rằng vấn đề đầu vào của chế biến gỗ thu hút việc trồng rừng tạo nguồn nguyên liệu hợp pháp và chuỗi cung ứng, là động lực phát triển kinh tế nông thôn.



Việt Nam đã đóng cửa rừng trong ba năm qua nhưng ngành chế biến gỗ vẫn tăng trưởng về lượng, chất và giá trị gia tăng. Nói như các chuyên gia ngành gỗ, điều này cho thấy việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ không hề tác động đến rừng tự nhiên.



Tuy nhiên, chẳng hạn như thị trường trong TPP, vấn đề đòi hỏi lúc này là cần kiểm soát hàng tạm nhập và tái xuất để lấy xuất xứ sau khi Việt Nam ký TPP. Đây không những là những thách thức của DN ngành gỗ mà còn là thách thức về mặt quản lý nhà nước khi thực hiện TPP.



Hơn nữa, có hai vấn đề cốt lõi, đó là: Gỗ hợp pháp và trách nhiệm giải trình gỗ hợp pháp ; việc áp dụng gỗ hợp pháp tại thị trường nội địa sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề mà các DN chế biến, xuất khẩu cần muốn biết và cơ quan quản lý nhà nước cần giải đáp sớm.



Thế Vinh














Theo stockbiz.vn