Trong dịp trò chuyện với báo chí nhân dịp đầu năm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chia sẻ, năm 2016 nếu có tiền nhà đầu tư nên mua chứng khoán. Theo ông, 2016 là năm cơ hội để đầu tư những cổ phiếu giá trị.



PV: Đại hội Đảng lần thứ XII vừa kết thúc, ông có cảm nghĩ gì về đội ngũ lãnh đạo mới được bầu ra trong Đại hội lần này?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Ai lãnh đạo cũng là Đảng lãnh đạo và tôi tin vào Đảng. Đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, hứa hẹn hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để bước vào cánh cửa đa phương hóa.



Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kinh tế năm 2016? TPP sẽ mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp như thế nào thưa ông?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Năm 2016 là một năm dự báo nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng nhất định. Chúng ta đỡ tệ hơn so với những nước xung quanh như Thái Lan, Philippin, Malaysia, Indonesia. Việt Nam có cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, duy trì tăng trưởng và thu hút nguồn vốn. Nhìn vào kinh tế vĩ mô, GDP tăng là tín hiệu mừng, khi đồng tiền luôn chuyển, ai cũng thấy vui khi có phần của mình trong dòng luôn chuyển đó.



Tôi cho rằng TPP là cơ hội cho một số doanh nghiệp nhưng là thách thức cho nền kinh tế. Trong đó những doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ TPP phải nói không với nguyên liệu từ các nước thứ ba như Trung Quốc. TPP cũng gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp trong sân chơi cạnh tranh.



PV: Năm 2016 nếu có tiền nên làm gì thưa ông?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Năm nay có tiền nên mua chứng khoán. Năm 2016 là năm cơ hội của các nhà đầu tư. Tôi có ngày hôm nay là biết chọn đúng thời cơ và mua được nhiều cổ phiếu có giá trị. Mình đầu tư phải nhìn vào giá trị của doanh nghiệp. Tôi cho rằng năm nay thực sự là năm cơ hội cho nhà đầu tư có tiền đi tìm những công ty để đầu tư giá trị dài hạn.



PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh của công ty chứng khoán trong năm nay?



Các công ty chứng khoán phát triển khi tỷ lệ người lướt sóng lên cao và nền kinh tế tăng trường nhưng năm nay nhìn kinh tế ảm đảm khi quả bom Trung Quốc đang treo trên đầu?



Sợ nhất khủng hoảng kinh tế Trung Quốc



PV: Có phải ông lo ngại về nền khủng hoảng kinh tế Trung Quốc?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi sợ nhất khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc, nếu điều đó xảy ra chẳng dám dự đoán gì. Kinh tế Trung Quốc nếu khủng hoảng sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề, người Trung Quốc có ở khắp nơi và Trung Quốc đầu tư bên ngoài nhiều. Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trong câu chuyện này nhưng lần này ảnh hưởng ít hơn.



Theo chu kỳ kinh tế năm 2016 kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng. Mọi người đừng nhìn giá dầu như là nguyên nhân mà giá dầu là hệ quả. Ai nhìn giá dầu nguyên nhân là sai vì không ai sinh ra được năng lượng, không ai làm chủ được giá dầu khi chưa có năng lượng mới thay thế mà nó là hệ quả của nền kinh tế giảm phát khi người ta không dùng đến dầu nữa thì dầu giảm giá.



Thị trường cần minh bạch



PV: Câu chuyện cổ phần hóa tác động thế nào đến thị trường chứng khoán 2016, thưa ông? Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng nhận định của các công ty chứng khoán còn kém?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Các công ty chứng khoán nhận định kém? Nhận định thế nào là tốt, theo ý người nào đó là tốt chăng? Các nhận định của SSI Research tôi đều đồng ý bởi đó là nhận định dựa trên các phân tích kỹ thuật. Khi thông báo nhận định có ghi rõ đây là nhận định của công ty chứng khoán và người đọc phải tự phân tích để tìm hiểu thị trường, công ty chứng khoán không chịu trách nhiệm.



Tôi cho rằng thị trường có mua, có bán, cái cần làm nhất để thị trường lớn là minh bạch. Có minh bạch tự thị trường sẽ phát triển. Cổ phần hóa ai cũng biết để minh bạch sau cổ phần hóa không ai quyết định được nên khi bán cổ phần cần bán hơn 50% số cổ phần và bán đúng giá. Còn câu chuyện nhà đầu tư chiến lược, bản thân đó là điều không minh bạch bởi ai là chiến lược, dựa trên tiêu chí để nhận định? Có chăng chuyện đưa ra tiêu chí đối tác chiến lược để thỏa thuận loại bỏ nhà đầu tư. Công bằng và minh bạch với nhà đầu tư bởi khi tôi là nhà đầu tư, tôi mua lại công ty nào để đầu tư phát triển chứ không phải để phá. Hãy bán công khai không cần đưa ra chính sách đầu tư chiến lược, đừng đưa ra tiêu chí để xét ai đó đủ không.



Cái cần cho thị trường chứng khoán để phát triển là minh bạch nhiều khi tôi thấy họ thiếu trách nhiệm với sự minh bạch, nếu tôi có quyền tôi truy đến cùng vụ Vinamilk.



PV: Bức tranh kinh tế và câu chuyện thị trường vốn trong năm 2016 sẽ như thế nào thưa ông?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Tất cả các nhà đầu tư việc ai xây vốn cứ xây đừng kì vọng ngân hàng Nhà nước hỗ trợ. Tôi cho rằng không ai đi trước được quy mô mà vạch chính sách để thu hút nguồn vốn, điều cần là làm sao cho họ tin rút tiết kiệm bỏ vào đầu tư.



Các nhà đầu tư đều đáng trân trọng, đáng quý như nhau, họ đầu tư vì mục đích gì đều tốt cả. Họ đều là người dẫn vốn, tôi đánh giá cao họ.



Chúng ta không muốn lệ thuộc vào nề kinh tế nào, khó khăn là cơ hội buộc phải tìm cách thoát khó khăn. Sau thời gian khó khăn sẽ tìm được đường mới. Năm nay, Việt Nam cần tìm đường đi riêng bởi nền kinh tế trung quốc hạ cánh cứng gây ra khủng hoảng. Đây cũng là cơ hội để mỗi doanh nghiệp tìm ra đường đi cho mình, nếu tự hào mãi về lao động rẻ thì chẳng đi đâu về đâu.



PV: Ông nhìn nhận thế nào về doanh nghiệp Việt Nam trước kinh tế toàn cầu? Năm 2020 Việt Nam kỳ vọng đạt 5 triệu doanh nghiệp, ông đánh giá sao về điều này?



Ông Nguyễn Duy Hưng: Khi chúng ta chấp nhận kinh tế toàn cầu, khái niệm doanh nghiệp không biên giới, Samsung gốc Hàn Quốc nhưng là thương hiệu toàn cầu nhưng sang Việt Nam là Samsung Việt Nam. Cocacola gốc Mỹ nhưng sang Việt Nam là Cocacola Việt Nam. Doanh nghiệp thì toàn cầu như doanh nhân có quê hương, tính Việt trong doanh nghiệp chính là những doanh nhân.



Tôi không quan tâm đến bao nhiêu doanh nghiệp mà quan tâm đến tổng số tiền đầu tư và tổng số người có công ăn việc làm hàng năm mà doanh nghiệp Việt Nam tạo ra. Người ta hay có câu đùa: một người Việt Nam bằng 10 người Mỹ, 10 người Isarel, nhưng 5 người Việt tập trung lại thì thua 1 người Mỹ. Đó là chuyện đoàn kết, tập trung nguồn lực của doanh nghiệp Việt còn yếu. Tôi nghĩ rằng, trong 5 triệu doanh nghiệp ấy có đến 4,9 triệu là cạnh tranh nhau. Nhìn vào câu chuyện doanh nghiệp Việt ở Mỹ sẽ thấy, sang Mỹ người Việt tự giết người Việt khi cạnh tranh nhau bằng giá, sản phẩm bán rẻ.



Tôi kỳ vọng về tổng số tiền doanh nghiệp đầu tư hơn số doanh nghiệp và tôi thích một Vincom hơn 100 doanh nghiệp làm giống Vincom.



PV: Cảm ơn ông!










Theo stockbiz.vn