'Bố mẹ cũng phải chịu phạt về hành chính do không giáo dục được con em mình đến nơi đến chốn. Ở nước ngoài, họ đều làm như vậy', tiến sĩ Tùng Lâm nêu ý kiến.


[IMG]//images.tienphong.vn/Uploaded/thien/2015_03_14/nu_sinh_lop_7_o_tra_vinh_tiet_lo_ve_ly_do_bi_danh_ hoi_dong_20150313101843955_0bf7d_NTWV.jpg.ashx?w=4 40&h=250&crop=auto[/IMG]
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cha mẹ những học sinh hư cũng nên bị phạt hành chính.



Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã có trao đổi xung quanh sự việc bạo lực học đường tại Trà Vinh.
Giáo dục không ngấm được đến học trò
- Có kinh nghiệm lâu năm trong công tác quản lý giáo dục cũng như các hoạt động về tâm lý học đường, tiến sĩ nhìn nhận thế nào về sự việc tại Trà Vinh?
Bạo lực trong lớp học, trước hết nhà trường phải chịu trách nhiệm. Trong chuyện này, tôi thấy có mấy vấn đề, thứ nhất việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã không sâu sát.
Phương pháp của chúng ta không ngấm được đến học trò. Nếu ngay từ cấp 1, cấp 2, các em này được giáo dục tốt về lòng khoan dung, sự tôn trọng thì không có những hành xử như vậy.
Đặc biệt, các em được giáo dục tốt về khả năng ra quyết định thì không thể có chuyện một lớp trưởng học lực, hạnh kiểm tốt tổ chức đánh hội đồng dằn mặt bạn. Em đó không phải và không nên là lớp trưởng. Bởi một học sinh bình thường không nên có cách hành xử như vậy, chưa nói đến một lớp trưởng luôn cần sự gương mẫu.
Thứ hai, tôi thấy khâu tổ chức của nhà trường chưa chặt chẽ. Thầy cô giáo thiếu kinh nghiệm. Tôi lấy ví dụ, với trường hợp em lớp trưởng này, nếu giáo viên tinh ý chỉ cần qua vài ba việc có thể biết em như thế nào. Họ sẽ không thể để một em học sinh như vậy làm lớp trưởng được.
- Tiến sĩ có thể chỉ ra những lỗ hổng cho thấy có sự không chặt chẽ trong quản lý?
- Tôi nói đơn giản ở đây như vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Trường tôi, nếu học sinh đến lớp, đầu và cuối giờ học giáo viên chủ nhiệm phải có mặt kiểm tra. Nhiệm vụ của họ không dừng ở tiết sinh hoạt mà phải nắm được tất cả các hoạt động, sự việc trong lớp mình.
Hiện nay, tôi thấy chúng ta đang coi nhẹ chức danh này, không coi đây là một nghề. Không phải thầy cô nào cũng làm được giáo viên chủ nhiệm. Nhiều người dạy tốt nhưng làm chủ nhiệm nói học sinh không nghe.
Để làm giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi thường có một tuần tập huấn cho các thầy cô. Họ cũng có đãi ngộ phụ cấp mỗi tháng 2-3 triệu đồng. Hàng tuần, chúng tôi tổ chức hoạt động giao ban với họ để rút kinh nghiệm.
Cần phải giải quyết triệt để
- Liên quan đến việc kỷ luật các em học sinh, nhiều ý kiến cho rằng các em nên bị đuổi học một năm hoặc cho vào trại đào tạo giáo dưỡng. Tiến sĩ nghĩ sao?
- Tôi nghĩ việc đuổi học không phải giải pháp tốt. Các em này đã thiếu giáo dục, nếu đuổi học một năm sẽ thành lang thang, vô giáo dục.
Theo tôi nên thôi chức em lớp trưởng. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức kiểm điểm các em này. Để học sinh tự đánh giá bản thân xem tại sao lại làm như vậy, nhận thức đến đâu về hành động của mình và lần sau nếu bạn làm trái ý có hành xử như thế nữa không?
Nhà trường cần kiểm soát, buộc các em rèn luyện bằng cách lao động công ích hàng tuần. Điều này giúp trò nhận thức, chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu còn tái phạm, nhà trường nên bàn giao cho công an.
Đặc biệt, với bố mẹ các em học sinh này cũng phải chịu phạt về hành chính do không giáo dục được con em mình đến nơi đến chốn. Ở nước ngoài, họ đều làm như vậy.
- Về phía nạn nhân, chúng ta nên làm gì, thưa tiến sĩ?
- Phải tổ chức hội đồng giám định y khoa, tổ chức chụp CT não xem em này có bị tụ máu, nội soi ổ bụng, kiểm tra các thương tích bầm tím. Nhà trường không thể nói miệng là em chỉ bị xây xát nhẹ và để bố mẹ lái xe chở đi. Tiền thuốc men thì các gia đình có học sinh đánh em phải chịu trách nhiệm.
Sau khi đã kiểm tra sức khỏe, nhà trường nên bố trí chuyên gia tâm lý giúp học trò. Chắc chắn em học sinh này vẫn sợ sệt, trầm cảm. Nhưng tôi nghĩ em đã lớn, nếu có phương pháp sư phạm, thăm dò hỗ trợ tâm lý, em sẽ biết tha thứ, vượt qua được.
- Không ít người lo lắng dù nữ sinh ấy vượt qua được nhưng có thể lại bị đánh nếu sự việc không được giải quyết triệt để, tiến sĩ có nghĩ vậy không?
- Tôi thấy nhiều người cho rằng nếu không đuổi học những em vi phạm thì nạn nhân phải chuyển trường. Đây không phải cách hay bởi không có “đại ca” này sẽ có “đại ca” khác.
Muốn triệt để, sau sự việc này chính nhà trường phải phát động một phong trào chống bạo lực học đường.
Từ hiệu trưởng, thầy cô và học sinh toàn trường phải vào cuộc. Phải lên chương trình hành động, khuyến khích việc phát hiện các sự việc bạo lực để đưa ra ánh sáng. Em nào côn đồ với bạn sẽ bị xử lý. Công an cùng nhân dân khu vực cũng vào cuộc.
Chúng ta phải chung tay làm sạch môi trường giáo dục. Không thể để sự việc dừng lại ở việc lãnh đạo trường phát biểu vài câu rồi đâu lại vào đấy. Các em học sinh tiếp tục sống trong sợ hãi mỗi khi đến trường.
Ngoài ra, trường cũng nên tổ chức thêm nhiều buổi ngoại khóa, vui chơi để các em cuốn vào hoạt động tập thể thay vì chơi tự phát, dẫn đến bạo lực.
Câu chuyện này cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh. Mỗi người chúng ta cần quan tâm tới con em, học sinh hơn, đừng để trẻ loay hoay một mình trong cuộc sống.

Theo Zing



Theo tienphong.vn