Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ chế chính sách trong nông nghiệp phải thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp (DN) khi tham gia đầu tư



Lắng nghe, phân tích nguyên nhân để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp là nội dung chính Cuộc họp Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) tổ chức sáng nay (19/2) tại Hà Nội.



Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) (Bộ NN & PTNT) công bố tại cuộc họp, cơ cấu của các DN nông lâm thủy sản (NLTS) chủ yếu là DN vừa và nhỏ, chiếm 96,53% tổng số DN nông nghiệp. Đặc biệt, số DN có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động) luôn chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Trong 10 tháng đầu năm 2015, số DN nông nghiệp thành lập mới là 1.814 DN, trong khi số ngừng hoạt động và giải thể lên tới 2.019 DN.



Số lượng DN NLTS đã ít lại có xu hướng giảm đi trong thời gian gần đây là vấn đề rất đáng quan tâm nhất là khi Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với những sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới.



Thủ tục và các quy định đặt ra cho DN NLTS được lý giải là một trong những nguyên nhân đáng quan ngại. Khảo sát của IPSARD mới đây cho thấy 79,2% DN NLTS được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN phát triển.



Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới mới đây cũng cho thấy thì môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar. Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải. Cụ thể, môi trường cho kinh doanh giống cây trồng của Việt Nam được đánh giá ở mức 62,5/100 điểm, thấp hơn cả Campuchia (68,8), Bangladesd (70,8) và Philipines (83). Nguyên nhân chính là do tại Việt Nam, cơ chế bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ phát triển làm khá tốt nhưng việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng có nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới lâu (ước tính 901 ngày so với Philippines và Myanmar lần lượt là 571 và 306 ngày), chi phí để đăng ký giống mới còn cao so với thế giới cũng như với các nước trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Thủ tục nhập khẩu giống cây trồng còn khó khăn, yêu cầu phức tạp, cấp phép chậm…. Về môi trường cho kinh doanh máy móc nông nghiệp chỉ đạt 24,4/100 điểm, chỉ hơn Lào, Nepal và Myanmar....



Bên cạnh đó, thủ tục và quy định cho phép DN được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ như các DN xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn của DN. Việc hoàn trả thuế thu nhập cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ. Các DN cung cấp nông sản (như gạo) có thương hiệu, chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các DN xuất khẩu gạo không phải chịu thuế hoặc thương lái gạo thông thường không phải nộp thuế này.



Tại buổi họp, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần xây dựng quy trình đánh giá và cấp phép cho giống mới một cách minh bạch và hiệu quả thông qua cơ chế ủy ban cấp phép gồm đại diện cả khối quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống. Về chính sách đất đai, cần có ưu đãi cho DN đối với diện tích đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nông nghiệp, cần đưa DN sản xuất mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp vào đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất như đối với các DN nông nghiệp. Tăng cường khả năng tập trung ruộng đất của người dân và tổ chức kinh tế thông qua cơ chế tín dụng ưu đãi cho việc thuê và mua đất và cho phép sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt….



Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của DN trong nông nghiệp. DN phải là yếu tố then chốt, là người dẫn dắt nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập như hiện nay. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ chế chính sách trong nông nghiệp phải thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho DN khi tham gia đầu tư.



Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay nông nghiệp phải tái cơ cấu, thay đổi cách thức và đổi mới hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Nông nghiệp vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, vừa là ngành hàng để nâng cao thu nhập của đa số người dân Việt Nam là nông dân. Để làm được điều này không thể thiếu vai trò của DN. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương rà soát, báo cáo những vướng mắc mà DN đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.



Nguyễn Hạnh






Theo stockbiz.vn