Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại có thể nói là đang ở trong giai đoạn khá đen tối, nhưng nếu bước qua vùng này thị trường sẽ vào vùng sáng mới, sẽ hồi phục trở lại.



Đó là đánh giá của ông Yun Hang Jin - Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc) - tại buổi Hội thảo “Triển vọng Thị trường Việt Nam năm 2016” do Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.



Đánh giá này phần nào đã được thể hiện qua chính bản báo cáo đi kèm có tiêu đề “Trời tối nhất là lúc trước bình minh”, trong đó KIS cũng nhận định xu thế của thị trường Việt Nam năm 2016 sẽ trái ngược với năm 2015, nghĩa là thị trường sẽ giảm vào đầu năm và phục hồi tốt vào cuối năm. Như vậy, việc thị trường Việt Nam giảm hơn 6% kể từ đầu năm nay là một phần của xu thế này.



Một góc nhìn khác về diễn biến TTCK Việt Nam năm 2015



Từ góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài, ông Yun Hang Jin đưa ra một góc nhìn tương đối khác về mức tăng trưởng yếu của thị trường Việt Nam năm 2015 khi so sánh với các thị trường lân cận.



Năm 2015, chỉ số VN-Index đã có năm tăng điểm thứ tư liên tiếp với mức 6,1%. Con số này kém xa so với các thị trường trong khu vực khi thị trường Indonesia tăng 11%, Thái Lan tăng 13,5%, Philipin tăng 18,3%, hay Trung Quốc tăng 13,7%.



Điều này rất khác so với 3 năm trước, khi thị trường Việt Nam thường hoạt động tốt hơn, với chỉ số VN-Index tăng 17,7% năm 2012, 22% năm 2013, và 8,1% năm 2014.



Theo ông Yun, thị trường Việt Nam hoạt động kém hơn khu vực không phải do yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng có 2 yếu tố khiến tốc độ năm ngoái kém khả quan.



Thứ nhất, trước năm 2015, thị trường Việt Nam đã trưởng khá vượt bậc, khiến thị giá tăng lên, nên các nhà đầu tư dài hạn đã mua trước đó 3 năm coi đây là thời điểm tốt để chốt lời.



Ngược lại, năm ngoái các thị trường khác lại tăng cao hơn Việt Nam vì trước đó khi Việt Nam tăng trưởng vượt bậc thì các thị trường này tăng khá yếu, nên khi Việt Nam điều chỉnh thì các thị trường khác vẫn tăng trưởng lên.



Thứ hai là các vấn đề liên quan đến chính trị. Năm ngoái, tại nhiều thị trường mới nổi, bộ máy chính quyền đã thay đổi thông qua các cuộc bầu cử, nhưng bộ máy của Việt Nam chưa thay đổi. Đây là điểm khiến động lực tăng trưởng của thị trường Việt Nam năm qua suy giảm.



Một yếu tố nữa là nhà đầu tư nước ngoài. Năm qua quy mô bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam khá lớn so với các thị trường khác. Mặc dù mua ròng 2,05 nghìn tỷ đồng (90 triệu USD) trong cả năm 2015, nhưng tính từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tục với giá trị 4,2 nghìn tỷ đồng (190 triệu USD).



Mức bán ròng này của khối ngoại được coi là khá lớn khi so với các nước ASEAN trong mối so sánh về quy mô thị trường.



Vậy liệu năm 2016 thị trường Việt Nam có giữ được đà tăng?



Ông Yun cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn có cơ hội tăng tiếp, nhưng sẽ tiếp tục kém hơn so với các thị trường khu vực.



“Năm nay Việt Nam có xu thế “trước thấp, sau cao” và chỉ số VN-Index sẽ tăng thêm hơn là điều chỉnh giảm đi,” ông dự báo, cho rằng chỉ số sẽ chuyển động trong ngưỡng từ trên 500 điểm đến trên 600 điểm.



Những biến số ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam năm 2016



Theo vị chuyên gia của KIS, sẽ có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam năm 2016.



Ảnh hưởng lớn nhất là yếu tố từ thị trường bên ngoài. Những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những biến động trên thị trường tài chính thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam năm 2016. Hiện tại nền kinh tế thế giới đang giảm tốc, và các nhà đầu tư đang rất lo ngại liệu Mỹ có tăng lãi suất hay không.



KIS dự báo Fed sẽ tăng lãi suất một lần vào tháng 6 và một lần nữa vào tháng 12.



Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD tiếp tục mạnh lên năm 2016 và khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi các thị trường mởi nổi. Việt Nam sẽ không phải là một ngoại lệ, nên cũng sẽ bị họ rút vốn phần nào ra khỏi thị trường.



Khi đồng USD mạnh lên, đồng VND sẽ bị mất giá. Ông Yun cho rằng tỷ giá VND/USD năm nay sẽ có thể được điều chỉnh 3-5%, giống như năm ngoái.



Trên lập trường của nhà đầu tư nước ngoài, ông Yun cho rằng chính trị và chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế cũng là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường năm nay. Tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc, lựa chọn ra Bộ Chính trị và các nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Theo ông Yun, chính trị Việt Nam có một đường lối khá ổn định, nên ít có ảnh hưởng xấu đến thị trường.



Tuy nhiên, trong ngắn hạn có thể có ảnh hưởng bất lợi vì sau bầu cử bộ máy lãnh đạo mới thường đầy mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng. Việt Nam được dự đoán cũng sẽ mạnh tay hơn với chống tham nhũng, và do đó sẽ tác động đến thị trường.



Ở chiều ngược lại, các nhà lãnh đạo cũng sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán, nên sẽ có ảnh hưởng tích cực về dài hạn.



Một điểm đáng chú ý nữa là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp. Ông nhận định kinh tế năm 2016 sẽ tiếp tục hồi phục và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ cải thiện.



Trong khi chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, KIS dự báo tốc độ sẽ chỉ đạt 6,5-6,6% do xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng chậm lại giống như nhiều nước khác.



Về lợi nhuận của các doanh nghiệp, ông Yun cho rằng doanh thu của các doanh nghiệp khó có thể tăng trưởng vượt bậc, nhưng do chi phí giảm nên lợi nhuận sau thuế sẽ duy trì được đà tăng trưởng giống các năm trước đây. Tuy nhiên, do mức cải thiện nhưng không lớn nên đóng góp từ các doanh nghiệp cho GDP sẽ giảm so với năm trước.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn