Từ 18 đến 24-2, VN Index đã có 5 phiên tăng liên tiếp từ dưới mốc 550 điểm lên 570 điểm; HNX Index lại có diễn biến lình xình quanh vùng 78 điểm với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm.



Cỗ bàn dọn sẵn




Diễn biến của TTCK từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã buộc những NĐT thận trọng nhất phải thay đổi cái nhìn. GTGD trên cả 2 sàn đã có 5 phiên liên tục đạt trên mức 3.000 tỷ đồng, riêng tại HOSE trung bình đạt khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên, điều chỉ diễn ra khi thị trường bước vào giai đoạn sóng tăng sôi động. Từ chỗ bán ròng liên tục từ phiên này sang phiên khác, khối ngoại đã trở lại trạng thái mua ròng trong 5 ngày giao dịch gần nhất. Thị trường gia tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản, khối ngoại ngừng bán ròng là điều đang hiển hiện trước mắt, thậm chí có thể gây “sốc” đối với nhiều NĐT.



Lý do đơn giản, giai đoạn trước Tết Nguyên đán, áp lực giảm giá từ TTCK thế giới, giá dầu và xu hướng không thuận lợi đã khiến tâm lý NĐT bất an. Thậm chí trong những ngày nghỉ Tết, việc TTCK thế giới có những phiên diễn biến quá xấu khiến không ít người chủ trương bán ra từ trước Tết mừng thầm. Lo lắng càng được củng cố ngay trong phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán vào ngày 15-2, VN Index giảm từ gần 545 điểm xuống dưới 544 điểm với thanh khoản chỉ xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.



Nhưng mọi chuyện bỗng chốc trở nên tốt đẹp kể từ ngày 16-2 cho đến hiện nay và có lẽ nhiều NĐT, kể cả đã gia nhập hay chưa vẫn đang hỏi nguyên nhân vì sao thị trường lại tăng như vậy. Thị trường vốn dĩ tăng trong nghi ngờ và cho đến thời điểm này NĐT vẫn chưa tìm được kỳ vọng (tương lai) hay câu chuyện mấu chốt nào. Đó là về mặt tin tức, còn trong thực tế, dòng tiền lẫn điểm số đã và đang xác nhận một xu hướng tăng rõ nét. Và thậm chí, diễn biến của thị trường trong những ngày tới sẽ là “càng nghi ngờ càng tăng”, NĐT càng thận trọng, tìm hiểu, càng mong thị trường điều chỉnh thì VN Index vẫn cứ tăng. Điển hình là 2 phiên 23 và 24-2, dù tưởng chừng VN Index sẽ giảm giá nhưng đóng cửa phiên vẫn có những đợt phục hồi ấn tượng để tăng điểm. Nếu ví thị trường tăng hiện nay giống như cỗ bàn đã dọn sẵn thì NĐT sẽ phải làm thế nào để tìm được những món ngon nhất, tức là CP có khả năng đem lại lợi nhuận, điều này càng lúc càng trở nên khó khăn hơn.



Đi tìm CP sinh lời



Mặc dù thị trường tăng 6 phiên nhưng có một điều chắc chắn là hiếm có CP nào cũng có số phiên tăng như vậy. Ngược lại, rủi ro càng hiện rõ khi mà xu hướng tăng của CP chỉ dừng ở T+1 hay T+2 dù đó có là CP “hot” chăng nữa. Chẳng hạn, sau khi có 2 phiên tăng vào ngày 19 và 22-2 để từ 19.000 đồng/CP lên 21.000 đồng/CP, LHG lại có 2 phiên điều chỉnh giảm vào 23 và 24-2 xuống lại 19.600 đồng/CP. Hay như trường hợp của CAV, mặc dù nhìn biểu đồ thời gian qua là tăng giá nhưng xét trong từng phiên ngắn hạn hiếm khi có chuyện tăng 3 phiên liên tục. Trừ BIC, những CP ít nhiều dính dáng đến thông tin mở room đều chững lại sau một số phiên tăng. Những điều này chỉ ra rằng, NĐT chỉ cần mua sai thời điểm là có thể lỗ ngay trong phiên, hay lỗ khi CP chưa về đến tài khoản. Vì vậy việc lựa chọn CP có khả năng sinh lời trở thành áp lực rất nặng nề. Sở dĩ phải nói như vậy là bởi hiện nay phần lớn CP đều chỉ tăng đến T+1 hay T+2 rồi chững lại, lúc này NĐT sẽ ở trạng thái không biết nên giữ hay bán bởi vì dù có lãi thì lãi ít, lỗ cũng chưa nhiều, còn hòa vốn lại không muốn bán. Điều này khác hẳn với việc nếu lãi đậm hoặc lỗ nặng thì NĐT sẽ có xu hướng bán dứt khoát hơn.



Đó cũng là lý do khiến cho CP ngân hàng (NH) nổi sóng hàng loạt trong phiên 24-2 nhưng một số NĐT lại có suy nghĩ thận trọng. Liệu sau khi BID tăng trần từ 17 lên 18.100 đồng/CP hay CTG tăng trần từ 17.100 đồng/CP lên 18.200 đồng/CP có tăng tiếp hay không? VCB tăng từ 41.000 đồng/CP lên 42.300 đồng/CP có còn bứt phá như đầu năm 2015 hay không là những câu hỏi còn để ngỏ.



Nhìn lại diễn biến thị trường trong khoảng 8 phiên gần đây sẽ thấy dòng tiền đang đổ luân phiên trong các nhóm CP bao gồm nhóm dầu khí, nới room và giờ là ngân hàng. Bên cạnh đó là một số thông tin kiểu như thoái vốn và chút ít CP có kết quả kinh doanh tích cực. Nghĩa là tin tức, cơ hội rất nhiều, nhưng chưa có yếu tố nào được phát lộ đến mức tối đa. Một điều chắc chắn là nếu NĐT liên tục đuổi theo dòng tiền, thử nghiệm hết CP này đến CP khác nếu không thua lỗ trên chênh lệch mua bán cũng sẽ bị thiệt hại phí, thuế, giao dịch rất nhiều, chưa kể những áp lực về tinh thần cũng như thể lý. Trong khi đó, nếu chỉ khư khư giữ một số CP đã lựa chọn mà CP vẫn không thể (hoặc chưa) tăng giá thì áp lực còn lớn hơn, thậm chí sẽ là bảo thủ nếu giữ CP không có khả năng tăng giá.



Vậy trong một “rừng” CP có xu hướng tăng ngắn hạn như vậy, có lẽ NĐT sẽ phải lựa chọn được những mã có câu chuyện rõ ràng, dòng tiền mạnh và sẵn sàng mạo hiểm nắm giữ trong thời gian dài. Thực tế chỉ ra rằng, ngay cả một nhóm CP có câu chuyện rõ ràng, có khi cũng chỉ 1-2 CP có sức bật thực sự. Một nhóm ngành CP tốt không đồng nghĩa với CP nào trong nhóm cũng tốt. Vậy nên, với những câu chuyện như nới room, thoái vốn, hay ngân hàng, ưu tiên trước tiên cần xác định là khả năng phát triển thời gian tới sẽ như thế nào. Thí dụ, với CP ngân hàng, ngoài chuyện KQKD, cần xem xét các thông tin liên quan đến ngành, hay các giao dịch của NĐT lớn, thay đổi sở hữu, cơ cấu cổ đông, có khả năng xảy ra hay không… Sau những nhóm CP nêu trên liệu dòng tiền sẽ đổ vào nhóm nào tiếp theo và có đáng để mua trước, đón đầu và sẵn sàng bán khi có lãi dù CP chỉ được tăng 1-2 phiên?



Nếu thanh khoản tiếp tục dao động trong vùng 2.500-3.000 tỷ đồng/phiên, mốc 580 điểm của VN Index sẽ sớm được chinh phục trong khoảng 5 phiên tới đây. Có một thực tế là vẫn còn khá nhiều NĐT nghi ngờ và lỡ cơ hội trong 5-6 phiên vừa qua nên thanh khoản vẫn còn nhiều cơ hội để tăng tiếp. Trong thời điểm hiện tại, những thời điểm điều chỉnh có khi lại là cơ hội để các NĐT gia nhập thị trường trở lại và đẩy GTGD cao hơn nữa. Các câu chuyện của thị trường sẽ tiếp tục có thêm những chi tiết thú vị khi mà mùa đại hội cổ đông đang đến cùng với đó là báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán và công bố.



NGỌC TRÚC










Theo stockbiz.vn