Đà tăng tốc của cổ phiếu VCB về cuối phiên, cộng với sự trợ giúp từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác và sự tỏa sáng của cổ phiếu ngành khoáng sản đã giúp chỉ số VN-Index chốt phiên tăng hơn 3%.



Tăng nhẹ trong suốt phiên sáng, nhưng cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai thị trường là VCB đã có sự bứt phá mạnh từ sau 13h00, khiến tâm lý tích cực lan tỏa ra thị trường chung. Chốt phiên, VCB tăng 2,9% lên 43.200 đồng với gần 1,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.



Hòa theo VCB, nhiều cổ phiếu lớn khác trong ngành tài cũng tăng giá, trong đó BID tăng 1,1% lên 17.700 đồng, BVH tăng 0,9% lên 53.500 đồng.



Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM đóng cửa tăng 0,7% lên 137.000 đồng, trong khi một cổ phiếu nặng ký khác là GAS tăng 0,9% lên 46.900 đồng.



Đà tăng của thị trường bị kìm hãm phần nào khi 2 mã bluechip khác là MSN và VIC giảm nhẹ với các mức lần lượt là 0,7% và 0,9%.



Ngoài điểm sáng là ngành ngân hàng, nổi bật nhất trong phiên này là sự bật lên mạnh của cổ phiếu ngành khoáng sản. Nhiều mã trong ngành ngoài việc tăng trần còn có khối lượng giao dịch lớn như DHM với 3,9 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, KSA với 4,5 triệu cổ phiếu, KSS với 1,6 triệu đơn vị, BAM với 1,3 triệu đơn vị, và BGM với 3,1 triệu đơn vị.



Đó là chưa kể đến những mã tăng giá khác nhưng giao dịch ít hơn như MIM, KSB, KHB hay KSQ.



Khép lại phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 3,03 điểm, tương đương 0,53%, lên 577,07 điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn Tp.HCM đạt 148,9 triệu đơn vị trị giá 2.180,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước.



Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 0,37 điểm, tức 0,46%, lên 80 điểm.





-------------------------------------

Trong khi lệnh “rút lui” được nhiều nhà đầu tư thực hiện để bảo toàn tài khoản, một lượng tiền tương đối vẫn được rót vào những cổ phiếu hạng vừa và nhỏ.



Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 16/3, cả hai chỉ số chứng khoán chủ chốt đều đi ngang, trong đó VN-Index đứng tại mức 574,74 điểm, còn chỉ số HNX-Index đứng tại 79,77 điểm.



Cả 2 sàn có tới một nửa số mã đứng giá hoặc không có giao dịch. Trong số những mã còn lại có 195 mã giảm, nhỉnh hơn so với con số 166 mã tăng.



Trong khi thị trường không có biến động mạnh, sự chú ý chuyển sang các dòng cổ phiếu riêng lẻ.



Trên sàn Tp.HCM, cặp đôi HAG-HNG tiếp tục chi phối dòng tiền vào thị trường. HNG hiện đứng đầu về khối lượng giao dịch với 7,2 cổ phiếu được khớp lệnh, trong khi HAG đứng thứ hai với 4,4 triệu đơn vị. Tổng khối lượng của 2 mã nhà “Hoàng Anh” này chiếm tới 16,7% khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Dòng tiền vào mạnh khiến giá cổ phiếu HNG tăng 4,3% lên 9.800 đồng, còn HAG tăng 2,4% lên 8.500 đồng.



Tiền cũng được đổ vào một số cổ phiếu ngành khoáng sản như KSA và BGM khi đây cũng là 2 trong số các mã có khối lượng giao dịch tích cực nhất. Cổ phiếu KSA tăng 5,3% với 3,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng, còn BGM tăng 3,7% với 3,1 triệu đơn vị được khớp lệnh.



Những cổ phiếu được giao dịch lớn khác còn có DLG với 3,4 triệu đơn vị, VHG với 2,7 triệu đơn vị, TSC với 2,6 triệu đơn vị, BHS với 2,2 triệu đơn vị. Những cổ phiếu này đều tăng từ 1-3%.



Trên sàn Hà Nội, hiện có 4 mã giao dịch giao dịch trên 1 triệu đơn vị, gồm SCR, PGS, KLS và BAM. Trong số những mã này, riêng SCR giảm 2,1%, các mã còn lại đều tăng, trong đó PGS tăng 1,5%, KLS tăng 6,7%, còn BAM tăng 6,3%.

----------------------------------

Chứng khoán Việt Nam tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày Thứ Tư trong bối cảnh giao dịch thận trọng khi nhà đầu tư đang chờ quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc chốt giao dịch của 2 quỹ ETF vào cuối tuần này.



Lúc 9h45, chỉ số VN-Index tăng 0,2% lên 575,32 điểm, sau khi mất 0,7% trong phiên trước.



Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,5% lên 80 điểm, tạm thời lấy lại số điểm đã mất trong phiên ngày Thứ Ba.



Theo nhận định của một số nhà môi giới, thị trường nhiều khả năng sẽ đi ngang trong những phiên tới và các cổ phiếu sẽ phân hóa cho tới khi có thông tin mới hỗ trợ.



Trong phiên trước, chỉ số VN-Index đã thoái lui sau khi một lần nữa không vượt được ngưỡng 580 điểm. Đây là lần thứ tư trong khoảng thời gian gần đây VN-Index không vượt được mốc này, nên một số nhà đầu tư xác định đây là có thể là một ngưỡng kháng cự tương đối cứng.



Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, thị trường dự kiến sẽ còn gặp thử thách khi giới đầu tư đang chờ các quỹ ETF chốt giao dịch vào cuối tuần này, và trước mắt là kết quả cuộc họp chính sách của Fed vào đêm ngày Thứ Tư (theo giờ Việt Nam).



Cộng với việc nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng mạnh vào phiên trước, một số công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường quan sát và thận trọng với những quyết định mua mới để tránh rủi ro bất ngờ.



Các thị trường Châu Á sáng nay cũng ít biến động trước khi có kết quả cuộc họp của ngân hàng trung ương Mỹ, với thị trường Nhật Bản giảm 0,4%, trong khi thị trường Trung Quốc lại tăng 0,3%.



Trung Nghĩa








Theo stockbiz.vn