Nới room, hoạt động kinh doanh hé lộ trong mùa đại hội đồng cổ đông, PE hấp dẫn... là những tin tốt khiến khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng trong quý II năm nay.



PE dự phóng hấp dẫn



Theo Báo cáo đặc biệt của CTCK Maybank Kim Eng, nửa đầu quý 2/2016 thị trường có xu hướng lên điểm dựa trên các yếu tốt: Nhiều chờ đón từ “mùa đại hội cổ đông”; Khả năng tiếp tục duy trì mua ròng của khối ngoại; “Nới room” sẽ tiếp tục là chủ đề giúp thúc đẩy thị trường; Góc nhìn kỹ thuật ủng hộ xu hướng tăng tiếp tục mở rộng.







Khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 kéo dài đến hết tháng 4 chính là giai đoạn “cao điểm” nhất cho các hoạt động thường niên gặp gỡ cổ đông. Các thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh, kế hoạch cho năm 2016, cổ tức hay những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các công ty sẽ dần được lộ diện rõ nét.



Maybank Kim Eng cũng cho rằng, nhiều khả năng khối ngoại duy trì mua ròng.



Tính từ tháng 8/2015 đến trước tháng 3/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh tay, hơn 4.232 tỷ đồng.



Tính riêng tại HSX, khối ngoại chỉ duy nhất mua ròng trong tháng 10, nhưng chủ yếu là giao dịch thỏa thuận khi MBB “hở room” 40 triệu cổ phiếu cho khối ngoại, do tăng vốn phát hành cho SCIC.



Từ tháng 2/2016, cường độ bán ròng của khối ngoại đã giảm, trong nửa đầu tháng 3 các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng mạnh, chỉ trong 11 ngày đầu tiên đạt gần 400 tỷ đồng.



Nguyên nhân, PE dự phóng 2016 của Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn, tiềm năng tăng trưởng EPS vào loại khá.







Mùa đại hội cổ đông 2016 sẽ “nóng” nới room



“Nút thắt” nới room đang được tháo gỡ sẽ khiến khối ngoại tiếp tục mua ròng trong thời gian tới.



Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các công ty niêm yết không thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nới room lên 100%, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc.



Đó là các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu trên 51% của khối ngoại bị xem như hoạt động của một công ty nước ngoài, sẽ phải đối mặt với hàng loạt các rủi ro pháp lý phát sinh…



Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra Dự thảo quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, “coi các tổ chức đó như tổ chức trong nước nhưng chỉ trong các hoạt động đầu tư” và phù hợp với quy định tại Điều 23 của Luật Đầu tư.



Sau “phát súng” đầu tiên là SSI nới room ngoại lên 100% vào cuối năm 2015, EVE công bố tăng room ngoại lên 100% và tiếp sau đó là HHS và VHC.



Một số các doanh nghiệp cũng “để lộ” ý định sẽ sớm đưa vấn đề nới room ra trình tại đại hội đồng cổ đông trong giai đoạn tới đây để thúc đẩy việc mở cửa cho khối ngoại tham gia vào công ty.



Đặc biệt, trong tháng 2/2016, VNM, cổ phiếu luôn được khối ngoại quan tâm và khó lòng sở hữu được nếu không phải trả một khoản “premium” so với thị trường, cũng vừa lấy ý kiến cổ đông để rút bớt 7 ngành nghề trong giấy phép. Đây được xem là thủ tục cần thiết để đẩy nhanh quá trình nới room của VNM.



Tăng hạng giúp VnIndex tăng điểm?



Maybank Kim Eng cho rằng, thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được phân loại là Thị trường cận biên (Frontier Market). Nỗ lực nới room thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng thanh khoản cho thị trường nhằm tiến đến mục tiêu là được phân loại là Thị Trường mới nổi (Emerging Market) theo chỉ số MSCI.



Còn nhớ năm 2013, khi MSCI công bố sẽ xem xét Qatar và UAE là Thị trường mới nổi thì chỉ số Index của hai thị trường này tăng gần 40% trong năm đó.







Thận trọng nửa cuối quý II/2016



Theo Maybank Kim Eng, nửa cuối Quý II/2016 rủi ro lớn hơn có thể xuất hiện, lý do gồm: Yếu tố chu kỳ và Rủi ro tiềm ẩn từ thị trường chứng khoán toàn cầu.



Về mặt yếu tố chu kỳ, quý 2 không phải là quý thuận lợi nếu nhìn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ đối với VN-Index.



Tính từ khi xu hướng tăng trung hạn của thị trường được tái lập từ năm 2012, có đến 3/4 năm VNIndex ghi nhận kết quả giảm, năm 2015 là năm duy nhất VN-Index tăng lên trong Quý II với mức tăng đạt 5,50%. VN-Index sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong nửa còn lại của Quý II, không loại trừ có thể là một pha điều chỉnh giảm khá lớn trở lại.



Vn-Index cũng chịu ảnh hưởng từ chứng khoán toàn cầu. Trong đó, nền kinh tế Trung Quốc tạo ra rủi ro đáng kể cho thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam.



VN-Index đang có mối tương quan rất chặt với các diễn biến tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt là các giai đoạn suy giảm.







Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones tồn tại những rủi ro với điểm rơi có thể trong 1-2 tháng tới. Dow Jones hiện đang có sự hồi phục trở lại khá tốt nhưng sẽ sớm đối diện với khu vực kháng cự rất mạnh, tại vùng giá trên 18.000 điểm – vùng đỉnh cao nhất của Dow Jones trong lịch sử. Khả năng xuất hiện điều chỉnh hoặc chí ít là những rung lắc mạnh sẽ là điều cần tính đến.



HOÀNG ANH








Theo stockbiz.vn