Một khi thuế tự vệ được áp dụng, người được lợi nhiều nhất sẽ là Hoà Phát, vốn đang đầu tư mạnh mẽ vào ngành thép. Những công ty khác sẽ chịu thiệt hại từ chuyện này khi thuế nhập khẩu hiện tại từ Trung Quốc là 15% sẽ được tăng lên 23,3%.



Những ngày đầu tháng 3, ngành thép nóng lên khi Việt Nam gần như cùng lúc vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.



Trong khi đối mặt với cả trăm vụ phòng vệ thương mại ở nước ngoài thì trong nước, cho đến nay, Việt Nam chỉ mới áp dụng chính thức bốn vụ, trong đó ba vụ là tự vệ thương mại và một vụ chống bán phá giá. Cộng thêm hai vụ mới nhất còn phải chờ kết luận cuối cùng, có thể nhận thấy Việt Nam đang đi ngược lại xu thế của thương mại quốc tế khi áp dụng chủ yếu là tự vệ, một công cụ ít phổ biến nhất.



Vì sao tự vệ ít được áp dụng? Câu trả lời là vì biện pháp này dễ cho doanh nghiệp nhưng khó cho chính phủ. Dễ vì doanh nghiệp không cần phải chứng minh đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, còn khó cho chính phủ là vì nếu áp dụng thì sẽ phải có các biện pháp bồi thường tương ứng cho nước nhập khẩu. Vì thế mà ở các quốc gia khác, các chính phủ thường không áp dụng biện pháp này.



Các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam đang ngày càng năng động trong áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau đó lại lấp ló những hoài nghi về các công cụ này.



Khi Posco VST đưa đơn khởi kiện ra bộ Công thương qua cục Quản lý cạnh tranh để điều tra và áp thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, thì 18 doanh nghiệp trong nước đại diện cho hội Thép inox Việt Nam cũng gửi đơn kiến nghị và sau đó là đơn kêu cứu tới Thủ tướng đề nghị không áp dụng biện pháp này.



Lập luận của các doanh nghiệp này cho rằng nhu cầu thép ở thị trường Việt Nam là đa dạng, trong khi đó phía Posco VST không đáp ứng đủ các chủng loại này.



Vì thế, nếu áp thuế lên đến gần 40% thì sẽ dẫn đến phá sản các công ty sản xuất trong nước. Bằng không, với việc mua thép của Posco trong nước, giá thành cũng được đẩy lên 20%. Ẩn đằng sau câu chuyện đó, một số chuyên gia của ngành thép đặt vấn đề Posco muốn độc quyền ngành thép. Ấy là chuyện chống bán phá giá chỉ xảy ra sau khi nhà đầu tư Hàn Quốc này đã xây dựng xong xuôi nhà máy thép inox của mình. Nhưng cuối cùng, cục Quản lý cạnh tranh vẫn áp thuế chống bán phá giá.



Cho đến câu chuyện phôi thép mới nhất dường như cũng đang diễn ra điều tương tự. Bốn công ty đứng đơn yêu cầu gồm Thép Hoà Phát, Thép Miền Nam, Gang thép Thái Nguyên và Thép Việt Ý, nhất là Hoà Phát, rất hăng hái trong câu chuyện này, trong khi đó nhiều ông lớn ngành thép lại chống lại.



Cũng dễ hiểu, một khi thuế tự vệ được áp dụng, người được lợi nhiều nhất sẽ là Hoà Phát, vốn đang đầu tư mạnh mẽ vào ngành thép. Những công ty khác sẽ chịu thiệt hại từ chuyện này khi thuế nhập khẩu hiện tại từ Trung Quốc là 15% sẽ được tăng lên 23,3%. Nếu không họ sẽ phải mua phôi thép từ trong nước với giá cũng không rẻ.



Chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ từ lâu đã được giới thương mại quốc tế coi đó là một chi phí của đầu tư, theo kiểu mạnh vì gạo bạo vì tiền. Các công ty lớn đều áp dụng các chiến lược này, với sự vận động hành lang chính sách rất hiệu quả nhằm bảo vệ thị trường của mình.



Một trong những cay đắng của câu chuyện này là túi nhựa PE. Thị trường Mỹ, theo ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch hiệp hội Cao su – nhựa TP.HCM, mỗi năm nhập khẩu đến 9 tỉ USD mặt hàng này. Nhưng giới doanh nghiệp Việt Nam đã mất thị trường rất lớn này từ nhiều năm nay khi thuế chống bán phá giá được áp dụng. Đến kỳ rà soát hoàng hôn, ông Việt Anh bảo, vì phía Mỹ không nhận được bất kỳ phản hồi nào nên mặc nhiên cho rằng phía Việt Nam chấp nhận mức đó, nên kéo dài thêm năm năm nữa.



Mức thuế lên đến 76%, khiến cho hàng từ Việt Nam vào không thể cạnh tranh nổi. “Bán vào thị trường Mỹ một ngày bằng ba ngày bán cho các thị trường khác. Nhưng mức thuế 76% thì coi như ta đã mất thị trường này”, ông Việt Anh, đồng thời là tổng giám đốc công ty cổ phần nhựa Nam Thái Sơn, tiếc nuối.



Các vụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam



- Vụ thứ nhất: tự vệ (2009) hai nguyên đơn là công ty kính nổi Viglacera và công ty TNHH kính nổi Việt Nam, chiếm đến hơn 90% thị phần thị trường kính nổi.



- Vụ thứ hai: tự vệ (2012) với các sản phẩm dầu thực vật, nguyên đơn là các hãng dầu lớn như Tường An, Tân Bình, Cái Lân và Holden Hope – Nhà Bè, chiếm đến 100% thị phần.



- Vụ thứ ba: chống bán phá giá: nhất thép không gỉ cán nguội (2013): công ty TNHH Posco VST, chiếm đến 81,5% thị phần của thị trường, cùng với công ty cổ phần inox Hoà Bình, chiếm 7,8%.



- Vụ thứ 4: tự vệ (2014) sản phẩm bột ngọt. Nguyên đơn Vedan chiếm 55% thị phần.








Theo stockbiz.vn