Tính từ cuối năm 2014 đến nay, tỷ lệ cho vay so với vốn huy động và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống NHTM tăng khá nhanh. Trong khi đó, lãi suất bình quân liên NH những tháng đầu năm 2016 dao động ở mức cao, lãi suất huy động lại liên tục tăng trong khi NHNN dự kiến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% và cam kết thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra và hút tiền về để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD, cho thấy lo ngại về thanh khoản của hệ thống NH đang hiện hữu.



Sóng lãi suất liên tục tăng




Trong nửa đầu tháng 1-2016, lãi suất liên NH giảm nhẹ 0,225-0,1% so với trước đó nhờ động thái can thiệp của NHNN mặc dù nhu cầu nguồn vốn ngắn hạn cuối năm tăng. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống NH đã xuất hiện dấu hiệu căng thẳng thể hiện qua mức lãi suất kỳ hạn qua đêm vẫn duy trì ở mức cao 4,675%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,86%/năm và lãi suất 1 tháng ở mức 4,9%/năm. Cùng thời điểm đó, một số NHTM đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2-0,5%/năm. Đến nửa cuối tháng 1 và đầu tháng 2, lãi suất liên NH tăng mạnh khi nhu cầu thanh khoản của hệ thống NH gia tăng vào dịp Tết Âm lịch. Mặc dù NHNN đã bơm ròng mạnh vào hệ thống nhưng lãi suất qua đêm ở mức cao 5,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng lên mức 5,2%/năm và lãi suất 1 tháng ở mức 5,2%/năm, đồng thời các NH vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn.



Thị trường tiền tệ liên NH năm 2016 dự báo sẽ biến động theo chiều hướng phức tạp hơn so với 2015, nếu NHNN không có sự hỗ trợ mạnh mẽ. Thanh khoản của hệ thống NH được đảm bảo nhưng không dư thừa và sẽ khá căng thẳng tại một số thời điểm. Mặt bằng lãi suất liên NH năm 2016 vẫn duy trì ở mức cao, dao động phổ biến trong khoảng 3,5-5% đối với kỳ hạn 1 tuần và bình quân vào khoảng 4,3%/năm.



Bộ phận nghiên cứu BIDV
Trong nửa cuối tháng 2 khi nhu cầu thanh khoản của hệ thống NH không còn cao sau dịp nghỉ Tết Âm lịch nên lãi suất bình quân liên NH hạ nhiệt, kỳ hạn qua đêm giảm mạnh xuống mức 1,22%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm xuống mức 1,7%/năm và lãi suất 1 tháng ở mức 3,5%/năm. Dù vậy, sóng lãi suất vẫn chưa êm khi bước sang nửa đầu tháng 3, nhu cầu thanh khoản của hệ thống căng thẳng phản ánh qua mức lãi suất bình quân liên NH tăng mạnh khoảng 0,78-2,18% ở các kỳ hạn qua đêm đến 1 tháng do nhu cầu nguồn vốn ngắn hạn tại các NHTM tăng cao. Theo đó, lãi suất qua đêm ở mức 4,21%, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng lên mức 4,325%/năm và lãi suất 1 tháng ở mức 4,6%/năm. Cùng với diễn biến đó, một số NHTM bắt đầu tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, chủ yếu là kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Trong đó, một số NHTM đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng lên trên 8%/năm. Theo công bố của NHNN vào ngày 22-3, lãi suất bình quân liên NH qua đêm giảm xuống về mức 3,71%/năm, kỳ hạn 1 tuần còn 3,88%/năm, kỳ hạn 2 tuần 3,96%/năm nhưng kỳ hạn 1 tháng đã tăng lên 4,67%/năm.



Nhiều điểm bất ổn



Trên hệ thống dữ liệu của NHNN, một chỉ báo quan trọng để tham khảo về cân đối vốn và tình hình thanh khoản hệ thống là tỷ lệ cho vay so với vốn huy động (LDR) cũng cho thấy thanh khoản đang tiềm tàng rủi ro. Cụ thể, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tháng 1-2016 của khối NHTM có vốn nhà nước lên đến 99,11%, khối NHTMCP đạt 79,5%, tăng hơn so với tỷ lệ 97,22% và 78,49% so với cuối năm 2015. Trước đó, vào cuối năm 2014, tỷ lệ LDR của khối NHTM có vốn nhà nước chỉ ở mức 90,74%. Trước đây vào năm 2010, NHNN ban hành Thông tư 13 giới hạn tỷ lệ LDR không quá 80%, đến tháng 9-2011 giới hạn trên được gỡ bỏ và được giải thích giải pháp góp phần khơi thông nguồn vốn trong hệ thống NH tới nền kinh tế. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ tỷ lệ LDR đã tạo ra những bất ổn về thanh khoản, do đó trong Đề án 254 của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống NHTM có đặt ra giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các NHTM có vốn nhà nước phù hợp với nguồn vốn về quy mô và cơ cấu kỳ hạn, từng bước giảm tỷ lệ LDR về mức không quá 90% đến năm 2015 nhằm giúp các NHTM phòng ngừa rủi ro thanh khoản. Như vậy số liệu về tỷ lệ LDR mà NHNN công bố cho thấy mục tiêu này đã không hoàn thành.



Trong năm 2015, huy động vốn và cho vay cũng mất cân đối khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh hơn tôc độ huy động vốn. Cụ thể, huy động vốn tăng khoảng 13,59% so với cuối năm trước, nhưng tăng trưởng tín dụng đạt đến 18%. Việc các NHTM liên tục tăng lãi suất cho thấy, thanh khoản của hệ thống NH không còn được dồi dào như trước đây. Mặc dù Thông tư 36 đã nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 60%, nhưng trước động thái đẩy mạnh sử dụng vốn của các NHTM, NHNN cũng lo ngại rủi ro khi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 giảm tỷ lệ này xuống còn 40%.



NHNN sẽ linh hoạt hơn



Mục tiêu hoạt động của NHTM là an toàn và sinh lời trong kinh doanh, vì vậy việc tạo lập một nguồn vốn vững chắc để phát triển bền vững rất cần thiết. Nhưng hiện nay, nguồn huy động vốn của NHTM khá hạn chế, việc tăng vốn khó khăn trong khi muốn huy động tiền gửi tiết kiệm phải cạnh tranh rất khốc liệt. Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service dự đoán năm 2016, nguồn vốn cho vay của các NH sẽ tiếp tục giảm khi tăng trưởng tín dụng và trích lập dự phòng tăng vượt tốc độ huy động vốn. Trong khi đó, các NH Việt Nam cũng có ít kênh huy động vốn từ bên ngoài hơn, do hạn chế của thị trường nội địa và các hạn mức về tỷ lệ đầu tư của khối ngoại vào NH.



Với tình trạng thiếu hụt các nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại, cùng với tỷ lệ LDR thuần đang rất cao, một chuyên gia tài chính cho rằng trong năm 2016 một số NH, nhất là NHTM có vốn nhà nước, sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn liên NH và kênh hỗ trợ vốn của NHNN như OMO. Nếu muốn cải thiện tình trạng này buộc NH sẽ phải áp dụng một chính sách lãi suất huy động cạnh tranh hơn nữa. Trong khi đó, áp lực thanh khoản tác động đến lãi suất cũng đã được dự báo trước. Phía NHNN cho biết sẽ thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. Đồng thời, NHNN sẽ điều hành lãi suất liên NH ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn toàn hệ thống, nhằm tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.



YÊN LAM














Theo stockbiz.vn