Sản xuất kinh doanh ổn định, thị trường tiêu thụ tốt, đưa ngành nhựa lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư ngoại.



Ngành sản xuất nhựa Việt Nam đang có sự tăng trưởng ấn tượng 15% - 20%/năm. Các lĩnh vực nhựa gia dụng, công nghiệp, bao bì có số lượng DN đông đảo. Thị trường tiêu thụ nội địa tốt. Việt Nam đang có lợi thế thị trường xuất khẩu nhờ hội nhập… Chính thuận lợi này khiến DN ngành nhựa Việt Nam lọt vào tầm ngắm thâu tóm của DN Thái Lan, vốn có thế mạnh rất lớn trong lĩnh vực này.



Nhiều cơ hội…



Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các DN ngành này đã khá thành công trong năm 2015. Với tổng doanh thu toàn ngành năm 2015 đạt 13.238 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận toàn ngành đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 30% so với 2014. Nhìn vào kết quả của 10 DN nhựa lớn nhất Việt Nam (niêm yết trên thị trường chứng khoán) đều thấy kết quả đạt và vượt kế hoạch kinh doanh. Có 6/10 DN niêm yết giảm được lượng hàng tồn kho so với những năm trước.



Hiện nay, ngành nhựa có số lượng DN đông đảo, với gần 3.000 DN trong cả nước, đang sử dụng đến 120.000 lao động. Mục tiêu của ngành nhựa là tỷ trọng doanh thu (so với toàn ngành công nghiệp) đến năm 2020 đạt 5,5% và tăng lên 6% năm 2025. Sản lượng sản phẩm dự kiến đạt 12,5 triệu tấn/2020. Sản phẩm của DN sản xuất trong nước không chỉ tiêu thụ nội địa, mà còn hướng đến xuất khẩu, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD đến năm 2020, và tốc độ tăng trưởng khoảng 15%.



Để khuyến khích DN trong ngành, Bộ Công Thương một mặt khuyến khích DN đầu tư sản xuất khuôn mẫu, phụ tùng, thiết bị cho ngành, mặt khác tăng cường phát triển mạnh công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa. Các dự án đầu tư cho sản xuất khuôn mẫu, thiết bị ngành nhựa sẽ được ưu đãi đầu tư như đối với ngành cơ khí trọng điểm (cho vay vốn tín dụng đầu tư là 85% tổng mức đầu tư).



Về thị trường tiêu thụ, hiện nay sản phẩm nhựa Việt Nam có mặt tại tất cả kênh bán lẻ trong nước. Và mức tiêu thụ nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện là 40kg/người/năm và dự báo mức này sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020.



Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm nhựa. Chuỗi cung ứng là sự liên kết bốn bên gồm DN (DN sản xuất, DN cung ứng nguyên liệu); ngân hàng cho vay nhập nguyên liệu; cảng ưu tiên cho DN nhựa xuất khẩu; và DN nhựa tham gia chuỗi cung ứng.



Ngoài ra, Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh còn đang làm cầu nối để DN tiếp cận với những nhà sản xuất lớn trên thế giới như Samsung, Intel… để đăng ký làm nguồn cung sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.



Mục tiêu thâu tóm…



Ông Trần Việt Anh, Tổng thư ký Hội cao su-nhựa TP. Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay các DN ngành nhựa có doanh thu đạt trên 250 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, phần lớn là DN tư nhân, quy mô vừa và nhỏ (chiếm đến 99,8%), còn lại khoảng 100 DN lớn.



Đây là những DN có tiềm lực, trang thiết bị máy móc sản xuất hiện đại, có đầu tư mới. Sản phẩm của họ cũng đa dạng, đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều DN lớn ngành nhựa Việt Nam vẫn đuối sức, trước nhu cầu thị trường nội địa sụt giảm.



Đặc biệt, là khi sản phẩm cùng loại của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đang bán đại trà tại Việt Nam, chất lượng hơn hẳn hàng Việt Nam và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Điều này khiến DN trong nước không tự tin, sẵn sàng chấp nhận bị mua lại khi nhà đầu tư nước ngoài trả giá cao. Nhiều DN nhựa tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay đuối dần năng lực sản xuất, do kinh doanh giảm sút, nên đã chọn giải pháp hợp tác, hoặc bán một phần cổ phần cho nước ngoài để tái cấu trúc, tăng khả năng cạnh tranh.



Đây chính là cơ hội mà nhà đầu tư nước ngoài rất mạnh trong lĩnh vực này như Thái Lan muốn có. Mục tiêu của DN ngoại là khai thác tiềm năng thị trường nội địa tại Việt Nam. Đồng thời, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Một trong những DN lớn nhất Thái Lan đã hiện thực hoá cơ hội là Tập đoàn đa ngành xi-măng Siam (SCG).



Hiện nay tại Việt Nam, SCG đã có 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh, 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Sản phẩm của hai DN này đang chiếm 50% thị trường ống nhựa xây dựng Việt Nam. Có cổ phần tại đây, SCG sẽ dễ dàng chiếm lĩnh ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam.



Trong lĩnh vực bao bì nhựa, SCG đã mua 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành, là một trong 5 DN lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì, với công suất 230 triệu m2/năm. Bên cạnh đó, SCG còn nắm giữ cổ phần của hàng loạt DN nhựa khác tại Việt Nam.



Thanh Thanh








Theo stockbiz.vn