Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 được dự báo sẽ không có nhiều thông tin để tạo biến động lớn, mà thiên về hướng điều chỉnh và tích lũy.



Theo một số chuyên gia phân tích, tâm điểm chú ý của thị trường trong tháng 4 sẽ là kỳ đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết, diễn biến giá dầu và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).



Mùa đại hội cổ đông sẽ bước vào thời kỳ cao trào trong tháng này, với những vấn đề nóng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là kế hoạch kinh doanh năm 2016, kết quả kinh doanh quý I, và với nhiều công ty là việc nới room.



Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Khối phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định những thông tin về kết quả kinh doanh trong kỳ đại hội này sẽ không có nhiều điểm nhấn, thậm chí mang hơi hướng tiêu cực nhiều hơn khi nhiều công ty dự kiến sẽ đặt ra mục tiêu tăng tưởng chậm lại so với kỳ trước.



Tuy nhiên, những quyết định về việc mở room và tăng vốn của các doanh nghiệp sẽ là tâm điểm đáng chú ý hơn, và đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường. Ông Bình cho rằng ngoại trừ 1 số nhóm ngành nhạy cảm với nền kinh tế không thực hiện mở room cho khối ngoại, còn những doanh nghiệp các ngành mang tính đơn ngành hoặc công nghiệp nhẹ nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định về việc nới room.



Ông Bùi Nguyên Khoa - chuyên gia phân tích Nhóm vĩ mô và thị trường của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) – cũng cho rằng chỉ có việc mở room là thông tin “đắt giá” trong giai đoạn hiện nay, vì kết quả kinh doanh đã bắt đầu được tiết lộ thông qua các tin đồn hoặc qua các cuộc họp đại hội cổ đông.



Ông Khoa cho rằng kỳ vọng về việc mở room thúc đẩy thị trường, và tác động lớn nhất có thể nằm ở khả năng nới room của Vinamilk (VNM) – doanh nghiệp niêm yết lớn nhất hiện nay.



Về kết quả kinh doanh, ông Khoa nhận định các kết quả kinh doanh sẽ được công bố lẻ tẻ nên khó có thể tác động lớn đến thị trường, hơn nữa các công ty dự kiến sẽ không có kết quả gì đột biến trong quý I.



Giá dầu cũng là tâm điểm theo dõi trong tháng 4 khi cổ phiếu ngành dầu khí đang có sự chi phối tương đối lớn đến thị trường chứng khoán. Sau một đợt hồi phục mạnh, giá dầu gần đây đang bắt đầu điều chỉnh, tương đối khớp với diễn biến của chỉ số VN-Index.



Thị trường đang chờ cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga vào giữa tháng 4, khi các nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới này được dự báo sẽ phối hợp đóng băng sản lượng.



Ông Khoa (BSC) cho rằng mức giá dầu hiện nay đã thỏa mãn điều kiện đóng băng sản lượng đó rồi, nên cần có hành động mạnh hơn giá dầu mới có động lực tăng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin nào cho thấy các nước sẽ cắt giảm sản lượng, vì quốc gia nào cũng đang gặp khó riêng. Cả Nga hay Ảrập Xêut đều sẽ không muốn giảm sản lượng nếu để Iran giành mất thị phần. Ông cho rằng giá dầu, do đã tăng cao, nên sẽ không còn động lực tăng nữa, và sẽ loanh quanh ở ngưỡng 35-40 USD/thùng.



Theo ông Bình (BVSC), giá dầu có thể điều chỉnh giảm vào đầu tháng 4, nhưng sau nhịp điều chỉnh này giá dầu vẫn còn cơ hội mở rộng đà hồi phục.



Diễn biến của giá dầu không chỉ liên quan đến nhóm dầu khí, mà còn liên đới với xu hướng hồi phục của các hàng hóa cơ bản như sắt thép, cao su tự nhiên, khoáng sản.



Một chủ đề đáng theo dõi nữa là cuộc họp chính sách của Fed trong tháng 4. Các chuyên gia phân tích nhìn chung nhận định rằng có khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chưa tăng lãi suất trong tháng này.



Mặc dù có một số thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed mới đây lên tiếng thúc ép việc tăng lãi suất, nhưng Chủ tịch Janet Yellen lại khẳng định rằng lộ trình tăng lãi suất của Fed là thận trọng và bám theo tín hiệu hồi phục của kinh tế thế giới. Thông điệp thận trọng của bà Yellen khiến thị trường đang ngầm hiểu rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 4 này, mà có thể chuyển sang tháng 6.



Do mức độ tác động của thông tin không lớn, ông Khoa đánh giá thị trường tháng 4 sẽ tiếp tục nằm trong quá trình điều chỉnh và tích lũy chứ không có biến động mạnh.



Trung Nghĩa








Theo stockbiz.vn